"Đây là câu chuyện của một cậu học trò nghèo đến tận cùng của xã hội, bằng những nỗ lực không tưởng đã làm nên điều kỳ diệu. Trong câu chuyện ấy, có thể bạn sẽ bắt gặp chính mình hay phải bật khóc trong khoảnh khắc nào đó. Nhưng vượt lên trên hết, đây là câu chuyện có thật về niềm tin, về sự phấn đấu không ngừng để hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn. Và điều quan trọng nhất là đừng bao giờ đầu hàng số phận. Một điều chắc chắn nữa mà tác giả muốn gửi gắm chính là: Tôi có thể, và bạn cũng vậy!"
Sinh ra và lớn lên ở làng quê La Khê, xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ngay từ khi vừa mới sinh ra, Hồ Văn Trung đã sớm phải gánh chịu nỗi mất mát quá lớn: buổi sáng mẹ anh đau xé lòng khi hay tin chồng mất thì buổi chiều mẹ đón nhận tiếng khóc chào đời của anh. Chịu cảnh mồ côi ngay từ lúc lọt lòng nhưng cuộc đời không làm Hồ Văn Trung ngã gục; mà chính những khó khăn, mất mát đó đã tôi rèn anh trở thành một doanh nhân thành đạt như ngày hôm nay.
Qua những trang viết của mình, Hồ Văn Trung đưa người đọc về những ngày gian khó và đầy nhọc nhằn nơi vùng quê La Khê mênh mông ruộng đồng, sông nước. Ở đó, anh cùng người mẹ và người chị gái lớn hơn anh 5 tuổi sống cùng nhau trong một túp lều dựng tạm, không có bất kỳ một tài sản nào, kể cả ruộng vườn và trâu bò. Điều quý giá nhất mà anh có, là tấm lòng bao la của người mẹ nghèo. Vì muốn các con có chữ nghĩa bằng bạn bằng bè, có cuộc sống tốt đẹp hơn, người mẹ đó đã không nề hà việc gì, từ dãi nắng dầm sương ngoài đồng ruộng đến làm thuê, ở đợ cho người ta.
Có lẽ, sinh ra trong gia đình khó khăn, sớm chịu cảnh mồ côi nên ý thức của anh về hoàn cảnh gia đình cũng hình thành sớm hơn. Ngay từ nhỏ, Hồ Văn Trung đã biết làm việc để phụ giúp mẹ và chị, chấp nhận quần áo rách, bụng đói đến trường. Sau này anh viết: "Chúng ta không thể quyết định nơi mình sinh ra hay hoàn cảnh nào sẽ nuôi dưỡng mình. Sinh ra trong một hoàn cảnh éo le, lớn lên trong thiếu ăn, đói khổ nhưng hơn hết, tôi lại thấy mình là một đứa trẻ may mắn".
May mắn vì chính hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đó đã tạo nên động lực để Hồ Văn Trung quyết tâm thoát ra khỏi nghịch cảnh mà số phận ngỡ tưởng đã an bài cho anh. Anh nhận ra chỉ có học vấn mới giúp anh thực hiện quyết tâm đó. Vốn là một cậu bé thông minh, sáng dạ cộng thêm quyết tâm thoát nghèo luôn sôi sục trong lòng, Hồ Văn Trung đã xuất sắc trải qua các kỳ thi như đệ thất, tú tài bán, tú tài toàn rồi vào trường đại học mà lúc bấy giờ không phải ai cũng làm được điều đó.
Học ở trường Đại học Huế được một năm, Hồ Văn Trung lại nung nấu ý định vào Sài Gòn với một niềm tin rằng "bầu trời không thể mãi tối đen, phải đến lúc ánh mặt trời hé dạng" và "phía cuối đường hầm sẽ có ánh sáng của hy vọng". "Giấc mơ Sài Gòn" được anh lý giải: "Đó là nơi chứa đựng bao thứ tươi đẹp mà một người trẻ như tôi luôn khao khát đặt chân đến. Là mảnh đất phồn hoa, trù phú, là niềm hy vọng của biết bao nhiêu người ở tỉnh lẻ".
Tự truyện Gian Truân Chỉ Là Thử Thách được Hồ Văn Trung kể với giọng điệu chân phương, mộc mạc. Anh vốn không phải là nhà văn nên có cảm giác những câu chuyện được kể bằng gan ruột và bằng tấm lòng của một người con đang tri ân với mảnh đất nơi mình đã sinh ra.
Một trong những đặc điểm quan trọng làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm ở thể loại tự truyện chính là yếu tố sự thật. Ở tự truyện của mình, Hồ Văn Trung đã trung thành gần như tuyệt đối với yếu tố này khi anh kể chi tiết về cuộc đời mình. Trên nền sự thật đó, người đọc càng khâm phục hơn ý chí và nghị lực của anh.
Không "tươi đẹp" như hình dung, cuộc sống những ngày đầu ở Sài Gòn của Hồ Văn Trung lại là chuỗi ngày lang bạt với cái bụng lúc nào cũng trong tình trạng đói meo. Thậm chí có lần vì không chịu nổi, anh đã ngất xỉu trong nhà học trò mà mình đang dạy kèm. Chật vật xoay xở ở Sài Gòn, cùng với sự giúp đỡ của một gia đình cùng quê, Hồ Văn Trung đã ổn định được cuộc sống của mình và tiếp tục học ở trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Đây cũng chính là bước ngoặt dẫn anh vào con đường mới, một định hướng mới với bao thăng trầm nổi trôi theo vận nước.
Những năm đầu thập niên 70, khi tình hình trong nước đầy hỗn loạn, tình trạng chiến tranh ngày càng khốc liệt, với tấm lòng yêu nước cũng như bao thanh niên trong thời loạn ấy anh sinh viên Hồ Văn Trung đã dấn thân vào đấu tranh để mong tìm một niềm hòa bình cho đất nước, nhưng không may cuộc đời trôi nổi của anh lại đẩy anh vào tù tội của cả hai chế độ cũ và mới. Không cam phận, Hồ Văn Trung lại nung nấu ý định đi về miền đất hứa để có một tương lai tươi sáng. Vượt qua những ngày lênh đênh trên biển, có lúc tưởng như đã cận kề cái chết khi gặp sóng dữ, không xác định được phương hướng và đặc biệt là lúc gặp hải tặc. Nhưng vượt qua những gian nan và nguy hiểm, cuối cùng anh và người bạn đời của mình đã được đặt chân lên nước Úc. Hai vợ chồng lại tiếp tục chuỗi ngày vất vả mưu sinh với đầy rẫy thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Cũng có lúc, anh và người vợ của mình phải chịu cảnh tay trắng khi bị lừa hết tài sản.
Đọc Gian Truân Chỉ Là Thử Thách, người đọc không khỏi ngạc nhiên vì đâu Hồ Văn Trung lại có đủ sức mạnh, ý chí để vượt qua những thử thách, khó khăn mà cuộc đời bày ra cho anh. Để rồi nơi xứ người với hai bàn tay trắng, Hồ Văn Trung đã tự kiến tạo cho mình một gia đình hạnh phúc cùng một sự nghiệp vững vàng và bề thế. Giờ đây, anh đã là ông chủ của tập đoàn Trangs có trụ sở và chi nhánh khắp nơi trên thế giới như: Úc, Mỹ, Anh, Việt Nam, Africa... Một điều đáng quý ở Hồ Văn Trung, ấy là khi đã thành danh ở xứ người, thì anh vẫn không quên Việt Nam - nơi đã cho anh dáng vóc và hình hài. Anh trở về nước với lương tâm, với hoài bão để giúp cải thiện đất nước tốt hơn, nâng cao đời sống người dân và hy vọng họ sẽ tạo ra trên quê hương mình những thay đổi tích cực.
Suy cho cùng, đúng như tên của tự truyện - gian truân cũng chỉ là thử thách. Thành công sẽ đến với những ai biết đứng dậy, tự tìm con đường đi cho mình. Bởi đúng như Hồ Văn Trung viết: "Tôi tin rằng cuộc đời có hai chữ "số phận" và "cơ hội". Nhưng số phận và cơ hội tốt chỉ mở ra với những người biết tự định đoạt cuộc sống của mình, biết phấn đấu, học hỏi không ngừng để vươn lên. Không ai có cuộc đời hoàn hảo, không ai có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định cuộc đời mình. Đừng bao giờ nản chí! Đừng bao giờ buông xuôi! Đừng bao giờ tuyệt vọng! Đừng bao giờ ngừng cố gắng và hy vọng vì chắc chắn thành công sẽ đến với những ai biết tạo ra cơ hội cho chính mình".
Tự truyện Gian Truân Chỉ Là Thử Thách của Hồ Văn Trung được xem như là một tiếng lòng luôn tha thiết với quê hương, bản quán, với những người thân yêu; đã trở thành hành trang giúp tác giả vượt qua những chông gai, thử thách của cuộc đời. Cuốn sách có ích cho nhiều người, nhất là đối với thế hệ trẻ muốn giữ gìn, nuôi dưỡng, vun đắp ước vọng vượt khó, vượt khổ để vươn tới thành công vì bản thân, gia đình và phụng sự xã hội.