Trong một chuyến cùng đi làm phim chân dung với nhà thơ Tế Hanh, khi máy bay đã lẫn vào những đám mây, Tế Hanh bỗng hỏi tôi: "Kha làm công tác âm nhạc, Kha nghĩ thế nào về bốn ông nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận và Văn Cao?". Vốn đã ngẫm nghĩ về tứ trụ này từ lâu, tôi trả lời: "Văn Cao là trời cho. Đỗ Nhuận là đời cho. Nguyễn Xuân Khoát là người cho. Lưu Hữu Phước là thời cho". Tế Hanh cười: "Được. Hay lắm. Mình đã từng nghĩ như thế, nhưng chưa rút ra gọn như vậy".
Tôi cảm thấy vui vì ý nghĩ của mình đã được một nhà thơ lớn tuổi đồng cảm. Thật vậy, Văn Cao đúng là trời cho.
Dường như trong tất cả những sáng tạo của mình, sau khi đã ngẫm nghĩ khá lâu, khi đặt bút viết, Văn Cao thực hiện xong tác phẩm nhờ một mách bảo gì đó trong vô thức. Bởi vậy, về Văn Cao, cho đến nay, không phải đã ngớt những lời bàn, những tranh luận. Đối với đông đảo nhân dân mọi thế hệ, cái ý Văn Cao là trời cho được mọi người đồng tình. Ai là người Việt Nam mà không tự hào về tác giả Quốc ca nước mình. Chỉ có sự đố kỵ mới bày đặt này nọ ở một thời điểm dễ nhiễu nhương nhất. Không chỉ riêng với Quốc ca, mọi sáng tạo âm nhạc của Văn Cao tuy không nhiều nhưng đã được đón nhận thật nồng nhiệt. Thế giới âm thanh của Văn Cao thật sang trọng và lâu bền - sự sang trọng không tuân thủ "khuôn vàng thước ngọc" của bất kỳ nền văn hóa nào cố tình áp đặt lên cảm xúc của người nghệ sĩ này. "Khuôn vàng thước ngọc" ở sáng tạo của Văn Cao là do chính ông định ra. Nó có thể giúp cho những nghệ sĩ không có sự đố kỵ soi sáng vào sáng tạo của mình để tìm ra một phong cách riêng. Còn nếu như ai đó chỉ suốt đời là một người học trò áp dụng những bài học đầy khuôn phép của âm nhạc dạy trong các nhà trường ở mọi nước trên hành tinh này thì không mấy mặn mà với những sáng tạo trời cho này.
...
NGUYỄN THỤY KHA
Xin trân trọng giới thiệu!