Viết Về Bè Bạn là tập hợp hai cuốn hồi ký Rừng xưa xanh lá và Một thời đã mất của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Mỗi câu chuyện trong Viết Về Bè Bạn là một mảnh ghép tạo nên bức tranh chân thực đến từng millimet của đời sống nghệ thuật một thời đã mất, thời bao cấp, thời goulag đã qua. Đọc Viết Về Bè Bạn, ta biết thêm một Dương Tường bán máu đằng sau một Dương Tường dịch giả, những câu chuyện đằng sau dịch phẩm Tể tướng lưu gù, những bài thơ Cầu xi măng, Chợ Cầu Rào, Nói chuyện với mèo, Kiếp sau, chuyện của “người sống và chết vì nghệ thuật như người tử vì đạo” Lê Đại Thanh, chuyện của “người điên” Nguyên Bình, hay phiêu lưu cùng màu trắng với Nguyễn Thanh Bình, và chuyện của “nhà văn của những người dưới đáy” – Nguyên Hồng.
Với hơn 600 trang sách, Bùi Ngọc Tấn đã đạo diễn một bộ phim tư liệu về những mặt ít được nói tới của văn chương nghệ thuật, về cả những con người thành danh lẫn những tiếng nói bị vùi dập. Ông viết về những khó khăn gian khổ, những long đong lận đận; ông viết về, và viết cho những con người viết để sống, sống để mà viết. Văn phong giản dị, chân thực, cách kể cuốn hút, chắt lọc, giàu tính triết luận mà cực kỳ hài hước, Viết Về Bè Bạn là cuốn nghệ thuật sử có giá trị; một cuốn sách giúp ta hiểu hơn về quá khứ và cũng để lạc quan hơn về tương lai, để vui sống, sống chứ không phải tồn tại, để tin tưởng “thế hệ sau sẽ làm được những điều chúng ta ao ước.”
Về tác giả
Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934. Quê ông ở làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954. Bùi Ngọc Tấn có sáng tác in ở các nhà xuất bản: Văn học, Lao động, Thanh niên, Phổ thông... khi mới ngoài hai mươi tuổi.
Trước khi viết văn, ông là phóng viên báo Tiền Phong ở Hà Nội, viết với bút danh Tân Sắc. Năm 1959, ông trở về quê và thành biên tập viên báo Hải Phòng Kiến thiết. Ông bị đưa đi tập trung cải tạo 5 năm (1968-1973) trong vụ xét lại. Trong 20 năm từ 1974 đến năm 1994, ông là công chức ở Quốc doanh Đánh cá Hạ Long và trở thành “người ẩn dật” với văn chương.
Ông trở lại với bạn đọc qua bài “Nguyên Hồng, thời đã mất” đăng trên tạp chí Cửa biển tại Hải Phòng năm 1993.
Các tác phẩm:
- Mùa cưới
- Ngày và đêm trên Vịnh Bái Tử Long
- Đêm tháng 10
- Người gác đèn cửa Nam Triệu
- Nhật ký xi măng
- Nhằm thẳng quân thù mà bắn
- Nguyên Hồng, thời đã mất, 1993
- Một thời để mất, 1995
- Một ngày dài đằng đẵng, truyện ngắn
- Những người rách việc, 1996, tập truyện
- Chuyện kể năm 2000, truyện dài
- Rừng xưa xanh lá, 2004, ký chân dung
- Biển và chim bói cá, 2009, tiểu thuyết