Xách Ba Lô Lên Và Đi
Tập 1: Châu Á Là Nhà. Đừng Khóc!
Tặng 50 chữ ký của Huyền Chip
Cảm nhận:
" Bước chân của Huyền khởi đầu cho trào lưu mới trong giới trẻ Việt: Khát khao vươn ra thế giới, đi và trải nghiệm" - Tiền Phong
"'Ta ba lô' không chỉ để thỏa mãn khát khao khám phá, trưởng thành mà còn đem hình ảnh, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè năm châu. Nhưng không phải ai cũng có bản lĩnh để đi như Huyền" - CAND
"Điều thú vị toát ra từ con người Huyền nằm trong sự khác biệt và dám khác biệt." - Yahoo! News
"Bạn ấy dường như đứng ngoài khuôn mẫu thông thường của một nhân vật quan trọng." - Thanh Niên
"Đã có rất nhiều nhưng cũng sẵn sàng nghĩ rằng mình chưa có gì. Đó dường như là điều đặc biệt nhất ở cô bạn 9x Huyền Chip." - Radio Australia
Trích đoạn:
Mọi người hay hỏi tôi quyết định đi "vòng quanh thế giới" như thế nào. Tôi chẳng quyết định. Khi bắt đầu đi, tôi mới chỉ là một con bé 19 tuổi không một xu dính túi, nói đi "vòng quanh thế giới" chỉ như một đứa trẻ con 5 tuổi nói với mẹ "lớn lên con muốn làm nhà du hành vũ trụ". Chuyến đi dài ngày này của tôi bắt đầu từ một chuyến đi ba ngày sang Brunei. Một giây phút nông nổi đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi từ khi đó.
Tháng 5 năm 2010, tôi đang ở Malaysia làm một công việc mà ai cũng nghĩ là công việc trong mơ. Quả thực, công việc, đồng nghiệp, môi trường làm việc, tất cả đều rất tốt, nhưng chỉ một vấn đề duy nhất là tôi và sếp thường bất đồng ý kiến với nhau. Một lần quá mệt mỏi, tôi quyết định đi sang Brunei chơi cho khuây khỏa. Lúc đó, ý định làm chuyến đi lâu thật lâu đã bắt đầu nhen nhóm, nhưng tôi không biết sẽ đi như thế nào. Tôi tính nếu bây giờ tôi nghỉ việc, lĩnh lương khoảng 1500$ chắc cũng đủ đi vài tháng, có máy tính rồi từ từ kiếm việc gì đó làm online. Nhưng tôi quên mất là laptop tôi đang dùng là laptop của công ty, nghỉ việc thì tôi cũng không còn máy.
Thế là tôi đành ngậm ngùi bỏ tiền mua một cái netbook nhỏ nhỏ, cấu hình yếu yếu nhưng đủ để viết và lướt web. Máy ảnh tôi bị mất trước đó mấy tháng nên cũng phải mua máy mới. Vèo một phát, số tiền còn lại của tôi chỉ còn khoảng 700, 800$. Tôi tặc lưỡi, thôi đi bừa, cùng lắm là lại về Malaysia. Tôi đặt vé khứ hồi vì thực sự tôi vẫn không nghĩ là mình sẽ đi được. Phòng trọ tôi cũng không trả chủ nhà mà vẫn để đồ đạc ở đấy, tin chắc chắn rằng mình sẽ quay lại Malaysia.
Khi còn “la liếm” với dân công nghệ, tôi có quen Preetam Rai - nổi tiếng trong giới vì ở đâu cũng có mặt. Sinh ra ở Ấn Độ, sống và làm việc ở Singapore, Preetam đi khắp các nước châu Á tham gia đủ các thể loại hội thảo công nghệ. Anh thỉnh thoảng hay bảo tôi: "Này, tổ chức cái gì ở Việt Nam đi để anh có cớ qua." Khi nghe tôi kể lể tình hình, anh tặc lưỡi: "Đi đi, không đắt lắm đâu. Dùng CouchSurfing thì khỏi mất tiền ở khách sạn." CouchSurfing là trang web kết nối những người sống ở địa phương và dân du lịch ba-lô. Nếu nhà có phòng trống, ghế sofa (couch) hay bất cứ chỗ nào ngủ được, bạn có thể đăng lên CouchSurfing với tư cách host (chủ nhà). Dân du lịch ba-lô đến một thành phố nào đó không có chỗ ở thì lên CouchSurfing gửi yêu cầu cho host xin ở nhờ. Những ngày ở Malaysia buồn, tôi cũng hay tham gia mấy buổi gặp mặt CouchSurfer (từ dành chỉ những người dùng CouchSurfing). Couchsurfer là dân lang thang nên tính tình đều khá cởi mở, thân thiện, tôi thích. Nhưng tôi chưa bao giờ ở nhờ cả. Thứ nhất là vì tôi cũng không cần, thứ hai là vì tôi cũng hơi sợ. Lần này thì là cơ hội tuyệt vời để thử. Brunei là một đất nước đắt đỏ, nổi tiếng. Đọc trên mạng tôi được biết cả nước chỉ có một Youth Hostel giá khoảng 10$/đêm, còn lại các khách sạn khác đều khoảng 200$. Youth Hostel thì hên xui, khách sạn thì tôi không có tiền, CouchSurfing là lựa chọn duy nhất.
CouchSurfing hoạt động dựa vào mức độ tin tưởng đánh giá qua những lời giới thiệu mà người khác để lại trên profile của bạn. Lúc đó, hồ sơ tôi trống trơn vì không có lời giới thiệu nào, nhưng may mà tôi có cái blog khá tử tế, nên gửi yêu cầu ở nhờ nào cũng tương cái blog mình vào đó. Tôi gửi yêu cầu tới 3 người thì 2 người đồng ý là Phillips và Rudy. Cả 2 đều bảo tôi gửi họ thông tin chuyến bay xem họ có ra đón tôi được không. Taxi từ sân bay về Bandar Seri Begawan rất đắt, khoảng $20. Xe buýt thì khó đoán. Tôi gửi thông tin cho cả hai, định bụng ai trả lời trước thì sẽ ở cùng người đấy. Nhưng đến hôm trước khi ra sân bay tôi vẫn chẳng thấy ai trả lời. Tôi lúng túng không biết làm thế nào, nhưng quyết tâm đi rồi thì cứ phải đi chứ biết làm sao.
Tôi đi ra sân bay lúc 6h sáng, trời còn tối âm ỉ. Tôi không đánh thức bạn ở cùng nhà dậy mà chỉ để chìa khóa lại trên bàn. Đi ra đến cổng, bác bảo vệ đang ngái ngủ thấy tôi thì vui vẻ hẳn lên. "Chip, đi đâu mà sớm vậy?" "Cháu ra sân bay đi Brunei ạ." "Thích ha, thế bao giờ quay lại đây dẫn bác sang Việt Nam?" Tự nhiên tôi không biết trả lời thế nào. Đến lúc đấy tôi mới phần nào nhận ra rằng có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại bác. Cổ họng tôi nghẹn cứng lại. Tôi cười cầu tài rồi đi vội ra bến metro.
Tàu sớm trống trơn, tôi ngồi một mình một toa mà lòng buồn xo. Tôi đi vội vã quá. Tôi quyết định đi ngày 9/5, bay ngày 13/5. 4 ngày vừa qua tôi cắm đầu vào lo đủ mọi chuyện mà không hề nghĩ đến khả năng nếu tôi thành công, tôi sẽ phải chia tay với Kuala Lumpur. Bao nhiêu người tôi yêu quý ở đây mà tôi chưa có dịp chào tạm biệt. Không biết mọi người có trách mình không nhỉ? Tôi thở dài, ngủ quên lúc nào không biết.
Đến sân bay, tôi thấy mình có tin nhắn từ Phillips. Tôi nhắn tin cho Rudy bảo đừng đến đón tôi nữa rồi tắt vội điện thoại. Brunei, here I come!
(trích Đi bừa đi)
Bài viết:
20 tuổi, 700 USD và đi khắp thế gian
20 tuổi, trong lúc bạn bè đang mải mê với sự học ở một trường đại học hay cao đẳng nào đó, Nguyễn Thị Khánh Huyền hay Huyền Chip (Sinh 1990) một mình xách ba lô lên vai và đi vòng quanh thế giới. Sự đi của Huyền không bởi một mục đích xa xôi nào, chỉ đơn giản "đi vì muốn đi mà thôi".
Huyền ở lễ hội Holy tại Nepal. Cô đã có thời gian sống ở đây ba tháng.
Xách ba lô lên và đi
Cô gái 22 tuổi nhớ lại quãng thời gian trước khi chuyến đi vòng quanh thế giới bắt đầu " 20 tuổi, khi đang làm việc ở Malaysia, công việc, đồng nghiệp, môi trường làm việc, tất cả đều rất tốt, nhưng tôi nhận thấy cuộc sống của mình như đang đi vào đường không lối ra. Nếu cứ làm và chờ đợi được tăng lương, thăng chức thì rồi cũng sẽ đến lúc con người ta già và chết. Tôi muốn đi để biết được thực sự mình muốn gì cho cuộc sống này. 20 tuổi, khi ấy tôi chỉ như một đứa trẻ, nói với mẹ rằng con muốn đi vòng quanh thế giới, thế là đi."
Huyền trước kim tự tháp Khafre, Cairo, Ai Cập.
Và Huyền đi thật, chỉ với 700 USD trong túi. Sau cái tặc lưỡi "đi bừa đi", đôi chân đã đưa Huyền tới 25 quốc gia, trái tim níu cô ở lại với Ấn Độ suốt bốn tháng, trải qua ba tháng khác tại Nepal, cũng như sống cuộc sống thường nhật suốt ba tháng khác tại Israel.
Trong 24 tháng ròng, thỉnh thoảng bạn bè và người thân sẽ giật mình khi thấy Huyền xuất hiện như một khách mời dự tiệc, hay đang tham gia lễ trao giải trong các quảng cáo hay phim điện ảnh tại Ấn Độ. Lúc khác, Huyền trở thành nhân viên trong một sòng bài ở Tanzania, tổ chức sự kiện ở Nepal hay đang cặm cụi viết bài cho một trang web công nghệ ở Israel. Cô cũng không nề hà làm công việc tỉ mỉ và mất thời gian như nhập dữ liệu cho một trang web về danh bạ tại Zambia.
Mỗi nước Huyền đặt chân đến, cô đều tìm cách đến thăm ít nhất một trại trẻ mồ côi.
Hành trình một mình mà không đơn độc của cô gái Việt trẻ này còn được lấp đầy bởi những công việc thiện nguyện cho trẻ em mồ côi và người già ở Nepal, Myanmar và Kenya. Giáng sinh mà Huyền đã trải qua ở Nepal đến giờ vẫn còn đọng lại trong cô những dư vị rất ngọt ngào với 50 cô cậu bé theo đạo Hindu chưa bao giờ biết đến Noel trong đời.
"Tôi và năm người bạn khác hùn tiền mua bánh kẹo, dạy hát, nhảy múa với các em. Tiệc tàn, chúng tôi ôm nhau chào tạm biệt. Các em quyến luyến đến nỗi chúng xếp hàng để ôm chầm lấy tôi, cứ đứa này ôm xong thì lại đi…xếp hàng để…ôm tiếp." Huyền mỉm cười kể lại "Khi dạy cho những đứa trẻ ấy cách viết ước mơ của mình lên tờ giấy, rất nhiều em đã viết sau này lớn lên muốn cưới chị Chip."
Trong hành trình của mình, Huyền đã được rất nhiều người tốt bụng cho đi nhờ xe. Trong hình là lúc cô xin quá giang từ Ethiopia qua Kenya, trên một trong những con đường nguy hiểm nhất ở Châu Phi.
"Ở Việt Nam, sẽ không ai yêu tôi"
Tự nhận mình là "gái xấu" với tóc xù, mặt tròn, da đen cháy, Huyền cười xòa khi nói chuyện với tôi " Mẹ tôi giận suốt vì sợ tôi sẽ…ế chồng. Ở Việt Nam, người ta đánh giá nhau bằng tài sản, bằng bằng cấp, bằng việc có một người chồng hay vợ tử tế. Tôi bây giờ, bằng cấp không có, thu nhập bằng 0 và không có cả đến một người bạn trai nào. Chắc vì thế nên mẹ bảo, sau hai năm ngao du thiên hạ, tôi bây giờ còn tệ hơn trước đây."
Câu cá ở Lamu, Kenya
Nhưng nếu có đủ thời gian để trò chuyện với cô gái trẻ này, bạn sẽ nhận ra rằng điều thú vị toát ra từ con người Huyền nằm trong sự khác biệt và dám khác biệt.
Nếu sau khi tốt nghiệp chuyên Toán của khối THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, Huyền quyết định chọn học trong một trường đại học danh giá, chắc chắn cô đã không đi làm ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, và được mời làm cho những công ty tiếng tăm ở Việt Nam và Malaysia.
Huyền trên dãy Himalaya.
Nếu không quyết định "đi bụi", giờ này có lẽ Huyền đã trở thành kế toán, lấy một anh chàng hiền lành nào đó cùng quê làm chồng. Thế nhưng giờ đây, cô có cơ hội sống tự do với tuổi trẻ của mình giữa những vùng đất lạ, nhìn thế giới bằng đôi mắt của chính cô.
Và nếu không khác biệt, Cô gái nhỏ nhắn đam mê leo núi, kickboxing và võ thuật này đã không chọn Châu Phi làm nhà trong chín tháng trời.
"Tôi chưa đi Châu Âu vì cho rằng nơi này không có nhiều thử thách lắm với dân đi bụi. Châu Phi giờ vẫn là một điểm đen trên thế giới và nó thôi thúc tôi đến đây", Huyền nói.
"Nếu như tôi không thực hiện những quyết định trên, có lẽ đến giờ tôi vẫn là một cô bé thôn quê bẽn lẽn, không biết dùng máy tính, không nói được tiếng Anh, không biết thế giới bên ngoài là thế nào." Huyền nói với đôi mắt tự tin. "Trong một năm đi bụi tôi thấy mình học được nhiều hơn chừng đó năm ở Việt Nam. Chuyến đi ấy cho tôi hiểu rõ vị trí của mình trên thế giới này. Tôi sống thực tế hơn. Giờ đây, tôi vẫn còn trẻ và không biết sẽ đi đến đâu trong cuộc sống này, nhưng biết mình đang đến gần hơn bao giờ hết với mục đích sống của đời mình."
Huyền cùng nhóm bạn cắm trại qua đêm sau chuyến đi xe máy vòng quanh Nepal. Trong hai năm trời rong ruổi, cô đã có rất nhiều bạn thân.
"Ước gì tất cả các bạn trẻ Việt Nam đều có cơ hội"
Thừa nhận nếu không thử thách mình bằng chuyến đi đầy can đảm này, có lẽ giờ Huyền sẽ rất ấm ức khi đọc nhật ký hành trình của ai đó, và nghĩ rằng người ta chắc phải may mắn lắm mới có thể đi như thế. Cô luôn khao khát rằng tất cả những bạn trẻ Việt Nam cũng sẽ có cơ hội để đi.
Trước thác Victoria, biên giới giữa Zambia và Zimbabwe
Từng phải "vật lộn" để thu thập hàng tấn thông tin, từ chuyện xin visa cho người Việt, cách đi từ Việt Nam đến các nước, cũng như sự khác biệt về văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác ra sao, Huyền ôm ấp hoài bão xây dựng một cổng thông tin và viết một cuốn hướng dẫn du lịch ngang tầm Lonely Planet cho người Việt. Cuốn sách sẽ cung cấp thông tin cơ bản và chi tiết cho người Việt để đi đến hầu hết các nước.
Cùng với bạn bè tại Lễ hội Lag BaOmer, Israel
Huyền cũng đang trong quá trình đi và viết. Khi hoàn thành, cuốn sách mang tên "Xách ba-lô lên và đi" chắc chắn sẽ là sản phẩm được Huyền nung nấu trong thời gian dài.
"Tôi không phải là hot girl và đó chắc chắn không phải là lý do để bán sách. Bạn bè thậm chí còn đùa: xấu như tôi mà cũng đòi viết sách. Tôi chỉ muốn qua cuốn sách ấy, mình có thể chia sẻ khát vọng cho nhiều người, phần nào giúp ích cho các bạn trẻ Việt Nam có khát khao nhìn ra thế giới." Huyền nói.
Đinh Hằng ( http:/dinhhang.tumblr.com/ )