Hắn nghe người ta đồn đại khá nhiều về một quán phở kỳ lạ, khách đến phải xếp hàng. Ai muốn ăn phải dậy từ rất sớm hoặc đến vào lúc đêm khuya. Đến sớm ăn phở nước đầu. Đêm khuya thì ăn phở vét. Chỉ hai thời điểm ấy là vắng khách.
Hắn đã sống qua thời tem phiếu nên hiểu thế nào là việc đi xếp hàng. Nửa đêm gà gáy, dù mưa rét cũng không được ngại. Cứ phải xếp được lốt ở cửa hàng gạo mới yên tâm. Hàng chục người mũ áo lụp xụp lặng lẽ đứng thành hàng với một sự kiên nhẫn mà có lẽ không thể gặp ở đâu khác. Những khuôn mặt vốn đã hốc hác vì thiếu chất, nay lại thêm mất ngủ trông vật vờ, như những hồn ma chờ ăn cháo thí. Ngần ấy năm, hắn để ý hầu như không ai bỏ cuộc khi chưa thấy cô nhân viên, phần lớn là xấu xí và cong cớn, tuyên bố ráo hoảnh: "hết hàng". Đó là điệp khúc kinh hãi nhất mà chả ai có quyền vặn vẹo.
Giờ đây tưởng chuyện xếp hàng đã thành một thứ di sản văn hoá. Vậy mà vẫn còn chuyện phải xếp hàng mới ăn được phở thì kỳ lạ thật. Hắn không giấu được cảm giác thú vị. Đó là đặc tính chung nhân loại. Khi cái gì mất đi mới thấy tiếc và gán cho nó đủ thứ giá trị. Giả sử cái thời xếp hàng trở lại thì thật khủng khiếp. Nhưng có người và ngay cả hắn cũng đã bắt đầu kể về nó bằng niềm hãnh diện, hãnh diện nhất là được thấy mình như những nhân chứng của lịch sử. Oách lắm chứ. Vì thế sau nỗi thú vị, hắn cảm thấy buồn. Hoá ra độc quyền bất cứ cái gì, kể cả vai trò nhân chứng về thời xếp hàng, cũng không dễ, không có gì đảm bảo chắc chắn về vị thế. Điều đó càng thôi thúc hắn phải đến tận nơi cái quán phở kia. Và hắn quyết phải ăn một trong những bát phở đầu tiên.
Hoá ra lời đồn đại là sự thật. Đúng là người ta xếp hàng để chờ ăn một bát phở sáng thật. Điều đó giờ đây đang đập vào mắt hắn. Điều khác với thời hắn xếp hàng mua gạo là bây giờ mặt mũi ai nấy béo đỏ, ăn mặc tươm tất chứ không mê đụp như trước kia. Bắt chước mọi người hắn cũng cầm sẵn tiền trong tay và đứng vào hàng. Hắn cố nghểnh cổ lên để nhìn về phía quầy, nơi có độ ba, bốn người đang thoăn thoắt thái, đập, xóc bánh phở, nhận tiền của khách, chan nước dùng, hò hét quát lác... dường như họ không thể nhanh hơn được nữa. Nhưng hình như khách hàng không hài lòng với tốc độ quá chậm chạp của họ. Điều đó khiến cả hai bên luôn ở vào tình trạng căng thẳng. Khách hàng giải toả bằng những câu trách cứ của người đóng vai trò thượng đế. Người của nhà hàng thì chỉ im lặng, đúng với bổn phận của kẻ luôn mong được phục vụ.
Có lẽ họ đã quen đến mức không còn cảm xúc nữa, mặc kệ ai muốn nói gì thì nói. Mặc kệ luôn cả sự cãi cọ, tranh chấp chỗ đứng của khách hàng. Người này bảo họ đến lượt trước, người kia cãi lại, người khác thừa cơ chìa tiền ra, khua vào tận mặt nhân viên nhà hàng. Trong thời gian ấy thể nào cũng lại có ai đó lợi dụng chen lên, khoái chí với sự nhanh chân của mình mặc những người phía sau gào lên đòi lôi cổ kẻ chen ngang mất lịch sự ra. Thành ra thứ vung vãi nhiều nhất là nước bọt. Hắn cũng dính một cục nước bọt của ai đó phi thẳng vào gần tai. Hắn cảm giác rất rõ bãi nước bọt đặc quánh của một gã nhất định bị bệnh hôi mồm.
Phía trước hắn một phụ nữ cũng phải vài lần lén đưa tay chùi nước bọt ở cổ đồng thời ý tứ đặt hai ngón tay bịt vào lỗ mũi. Khổ thân nàng, thân gái bị ép giò thế kia chỉ để ăn một bát phở liệu có đáng không? Mà đâu chỉ có mình nàng. Phía sau hắn các bà các cô vẫn lần lượt nhập cuộc, oang oang nói chuyện về băng vệ sinh siêu mỏng chỉ hợp với người hẹp háng. Tất cả những điều đó không chỉ đập vào mắt mà vào cả ngũ giác hắn. Hoá ra có những thứ thuộc về bản sắc thật sự, nghĩa là bất chấp thời gian, những biến động xã hội... nó cứ trơ ra, không sức mạnh vật chất, tinh thần nào thay đổi được.
(trích Trong quán phở gia truyền - tg: Tạ Duy Anh)