Quay qua quay lại (như tên tập tản văn đầu tiên của chị), chưa kịp trả món nợ cũ thì Nguyễn Thị Hậu đã lại đưa cho tôi đọc bản thảo tập tản văn thứ hai của chị. Thế là “Buổi trưa trong quán cà phê” đã đi theo chúng tôi trong cuộc hành trình tới Mộc Châu se lạnh và đầy hoa cải trắng vào đầu tháng 12.2011. Đúng như tính cách hóm hỉnh quen thuộc của mình, Nguyễn Thị Hậu đề từ cho tập sách mới của chị là “Thấy gì ghi gì, nhớ nấy viết nấy”. Thì đúng là vậy mà. “Buổi trưa trong quán cà phê” là tập hợp những bài tản văn, tạp bút của chị đã đăng rải rác trên các báo, tạp chí và đăng lại trên nhiều website. Mỗi bài viết là một góc nhỏ của cuộc sống bộn bề và phức tạp mà tác giả bất chợt nhìn ra và cảm nhận, như lần đầu, từ những mối quan hệ, những tâm trạng, những hiện thực , những bạn bè quanh mình.
Từ một mẩu rao bán nhà trên báo, Nguyễn Thị Hậu đưa người đọc đi lướt qua hiện thực đô thị ngập nước biến phố thành sông, rừng tự nhiên ở đầu nguồn bị chặt và cháy, vườn trái cây quanh năm sum suê bị đô thị hóa xóa sổ…,rồi lại rủ người đọc chia sẻ với chị cái viễn mơ đầy chất hài hước có chất chứa đau xót trong đó: sắm ghe mắc tiền để trở thành “người sang trọng có thú vui tao nhã” khi dùng ghe đó không chỉ để rong chơi lãng mạn trên những dòng sông thật mà còn để “lấy le” với những người đang bì bõm lội trên “những dòng sông phố”! (Buổi trưa trong quán cà phê hay là Mơ ghe). Chuyện trẻ con xa cha mẹ đi sơ tán trong chiến tranh nhiều người đã trải qua và cũng đã lùi xa gần nửa thế kỷ, vậy mà đọc “Trẻ sơ tán” của Nguyễn Thị Hậu thấy chị như bằng trái tim mình đã nói dùm thế hệ ấy một điều chưa được nói ra và chưa được xem là hậu quả chiến tranh. Đó là cảm giác “bị bỏ rơi”, cảm giác cô đơn, tủi thân cùng cực khi ốm đau một mình và khi có điều gì đó muốn chia sẻ ngay với cha mẹ mà không được. Bài học mà tác giả tự rút ra cho mình từ cảm giác trong ký ức xa xưa đó là “không bao giờ để các con tôi phải một mình như tôi ngày ấy”. Và bức thông điệp không mới nhưng chưa bao giờ cũ mà chị nhân danh thế hệ mình và trước mình gửi đến độc giả đương thời thật quyết liệt “gây chiến hay đình chiến đều không khó, cái khó là khi tiếng súng đã im thì rất lâu về sau chiến tranh vẫn chưa chấm dứt”.
Trong tập sách này, dáng vẻ của những bài viết khá đa dạng. Có những bài như “bài thơ văn xuôi” (Viết cho mùa thu, Những chiếc vé, Ngày mưa, Gửi lại tuổi thơ tôi Hà Nội, Trên mạng người ta có cô đơn…). Có những bài là một bút ký hoàn chỉnh đầy ắp thông tin và sự chuyển động đa dạng của tâm trạng của người viết và các nhân vật được đề cập (Trên nẻo đường biên, Bạn xa xứ, Một thoáng Singapore, Di sản văn hóa sống cùng thành phố…). Và, thấp thoáng đây đó trong các trang viết của tập sách này là sự tự trào đầy tinh tế của một phụ nữ chối bỏ “chủ nghĩa nữ quyền” cứng nhắc và thiếu sự lan tỏa; xa lạ với thứ nhận thức “thành đạt” đầy kiểu ban phát hoặc tự vơ vào của những người không phải là phụ nữ và là …phụ nữ. Cái cách lý giải về sự chối bỏ xác đáng của Nguyễn Thị Hậu trong bài “Phụ nữ thành đạt” và một số bài khác quả thực đã nói hộ tâm trạng của nhiều người và chắc chắn được không ít người chia sẻ, dù họ là nam hay nữ và ở lứa tuổi nào. Tôi tin, rất tin, vì đây không chỉ là cảm nhận của riêng tôi mà là của nhiều người khác nữa. Tôi nhận biết điều ấy qua những comment trong blog của chị và trên một số mạng xã hội mà chị tham gia khá đều với cái nick độc đáo và độc quyền “Hậu Khảo Cổ”.
“Có một nghề tử tế để làm. Kiếm được chút ít tiền để khỏi quá phụ thuộc vào người khác. Thi thoảng có vài niềm vui nho nhỏ, giản dị từ gia đình, con cái, bạn bè. Có thời gian mỗi ngày lướt mạng chia sẻ vui buồn. Và khi cáu giận bực bội thì có thể giang tay giữa trời mà… hét”. Đấy, cái cách Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu với một vài chức vụ quan trọng (***) liền sau cái tên đó nghĩ về một phụ nữ thành đạt chỉ đơn giản là như vậy.
Tôi tán đồng cách nghĩ ấy của Hậu và chỉ thêm vào câu này “Ngoài những nội hàm về phụ nữ thành đạt trên đây, nếu mỗi năm viết được một cuốn sách nho nhỏ, hay hay như “Buổi trưa trong quán cà phê” thì có thể xem là quá thành đạt”, đúng không thưa tất cả bạn bè thân thiết và chưa quen biết Nguyễn Thị Hậu đã đọc tập sách này ?
(Nguyễn Thế Thanh)