Cuốn sách này tập hợp những cái truyện của Nguyễn Quang Lập gồm những truyện ngắn hư cấu và những hồi ức được cấu trúc như truyện ngắn, có cái viết lâu đã hơn hai chục năm, có cái mới viết gần đây. Những cái viết này đều đã in trên báo và xuất bản vào sách. Tập hợp lại lần này thì cà tập truyện là nói chuyện làng chuyện phố.
Lập, như anh và tôi, như phần lớn người Việt ta, sinh ra và lớn lên ở một làng quê. Có nghĩa anh trực tiếp có quê ở làng, đích thị nơi ấy là anh được cha mẹ chôn nhau cắt rốn, và từ đấy anh bước ra thế giới, bước vào đời. Hai chữ “làng quê” đúng nghĩa là thế. Làng quê ấy thời anh tuổi nhỏ và tuổi mới lớn lại đang trong thời chiến tranh. Mà anh lại sinh ra vào khoảng giữa của hai cuộc chiến tranh, chống Pháp vừa xong mấy năm đã đến liền chống Mỹ. Thế là nếp sống làng của nông thôn Việt Nam bao đời bị bom đạn và cái sống thời chiến đảo lộn, xới tung và hủy hoại. Mảng truyện hồi ức trong tập chính là Lập làng vậy. Những câu chuyện thời nhỏ tuổi học sinh trường làng ở vùng quê Ba Đồn cạnh dòng sông Gianh, ở làng Đông sơ tán, ở dãy núi Chớp Ri thuộc huyện Quảng Trạch (Quàng Bình) đã được người đàn ông giữa tuổi “tri thiên mệnh” khơi lại, dựng dậy trong các truyện hồi ức với cái nhớ quá vãng se sắt và cái buồn hiện tại tê tái. Nghèo đói, cơ cực đã đành, cuộc sống nông thôn ngày trước, lại là ở vùng quê miền Trung đất đai cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt, thì sự chống chọi với hoàn cành tự nhiên để sống đã là cả một cuộc đấu tranh trường kỷ và nhẫn nại. Nhưng sự đau khổ, tủi phận người trong một hoàn cảnh xã hội mang nhiều ngộ nhận, có cả phần tăm tối ngây thơ nông nổi trong nhận thức, lại diễn ra ở nông thôn thời chiến mới là cái đọng lại sâu nhất, đậm nhất, nhức nhối nhất ở mảng chuyện làng của Nguyễn Quang Lập. Phần nhiều những chuyện kể ở đây được nhìn qua con mắt trẻ thơ, được hồi nhớ từ tuổi học trò, nghĩa là từ sự trong trẻo, hồn nhiên đến ngây ngô của những đứa trẻ bắt đầu nhìn đời và khám phá thế giới, cả tự nhiên và xã hội. Lập làng bắt đầu tạo ra cho người đọc quen với một cái làng có thật của mình thành một cái làng trong văn chương, ở đó nhà văn khai thác đến tận cùng các chất liệu kỷ niệm, hồi ức, để dựng lên những nhân vật mang số phận chung. Những con người tử tế và khốn nạn, may mắn và bất hạnh, hiền lương và độc ác. Thời nào ở đâu cũng vậy, từ làng ra phố.
Lập phố là chuyển dời cái nhìn từ người dân quê sang người thị dân, khi chàng trai rời làng ra phố sống. Người phố thì phần nhiều cũng là người quê ra, không thì cũng là người còn mang nặng gốc gác quê, và chăng phố thị nước ta vẫn nặng chất quê, gọi phố làng hay làng phố là hợp. Cái lộn xộn của phố giống ở làng, thêm cái bát nháo riêng có của phố nữa, khiến cho bức tranh đời sống và hình dạng con người ở phố phơi bày vừa những nét cố hữu vừa thêm những nét đặc thù. Chuyện phố vì thế vẫn là chuyện người nhưng trong cảnh phố. Những bần cùng cơ cực như bệ rạc hơn. Những thủ đoạn gian manh như trơ tráo hơn. Những đau đớn quằn quại như thảm thương hơn. Những lòng tốt tình thương như hiếm hoi hơn. Thực ra chuyện phố cũng là chuyện làng đấy thôi, và con mắt tấm lòng người viết ra đi từ làng dõi vào phố vẫn là xót thương cho những phận người lam lũ, vất và, nhỏ nhoi. Lập phố ở đây là phố Hà Nội, nơi anh có thời gian định cư gần mười lăm năm, cố nhiên với tư cách nhà văn phố của anh còn dược bổ sung bằng những mặt người mặt phố nơi các thành thị anh đã từng đến, từng sống qua.
Lập văn tạo nên làng ấy phố ấy riêng thành một kiểu, không trộn lẫn với ai khác. Một giọng điệu tưng tửng, cười cợt bề mặt bề ngoài mà đau đớn, day dứt bề trong, bề sâu. Một cách viết “khẩu văn” ở những truyện hồi ức với lối kể điệu nói, với cách dùng tiếng địa phương, với những điệp ngữ điệp khúc giữ nhịp và giữ ý. Một nghệ thuật cấu tứ truyện ngắn nhiều đột ngột, bất ngờ, nhất là cái kết. Cái truyện như “Quê choa chí dị” là một thí dụ rõ nét của lối viết Lập văn hiện nay, chuyện thì ai cũng biết, nhưng truyện thì xoáy sâu. Chi tiết, cái cốt yếu của văn xuôi, cốt tử của truyện ngắn nhất là loại truyện viết lối cổ điển, Lập văn giỏi và “độc” ở chi tiết, như ở đồng bạc 5 hào trong tạy cô học trò chết bom, hay ở đứa em chết trên vai đứa anh cõng lết dọc đường. Những chi tiết bật máu đau. Lập văn khiến đọc truyện có thể tiếng cười bật ra, tiếng khóc cố nén, tiếng thở dài cuộn lại, và niềm bi phẫn có thể sôi trào. Có thể đọc Lập văn như xem một phòng tranh trưng bày những mặt/khuôn mặt người ở làng, ở phố, ở quanh ta, ở trong đời. Mỗi truyện một mặt và tất thảy đều bị biến dạng vì nhân thế. Không tin, cứ đọc theo kiểu soi mặt mà xem, người đọc sẽ thấy có mặt mình trong đó.
Và lập làng lập phố lập văn — đó là Nguyễn Quang Lập. Lập là... người của làng, người của phố, người của văn. Người của Người. “Người là thật, phải thật với người” (Nguyễn Huy Tưởng). Đường đời đường văn của Nguyễn Quang Lập chú theo một đích ấy, và anh như đã chạm được. Anh chạm khi được người đọc văn thích thú, đồng cảm và chia sẻ những riêng tư, cá nhân thành chuyện làng chuyện phố chuyện đời chung cả cõi người.
Phạm Xuân Nguyên