Lạ thật, thời ấy các anh trai rửa mặt bằng gì nhỉ? Một nhóm bạn trẻ tay cầm điện thoại di động sành điệu, cười rúc rích khi đọc bài thơ “Bốn yêu” trong cuộc triển lãm “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp”. Tuy nhiên, cười đấy, mà sao ai cũng thấy lòng chợt rưng rưng…
Quả thực, đất nước ta đã trải qua một thời kỳ thiếu thốn, khan hiếm hàng hoá và các nhu yếu phẩm thiết yếu của đời sống con người như vậy.
Những đứa trẻ của thời bao cấp (bây giờ đều là các cụ, các ông, các bác cả rồi) sẽ hiểu rõ hơn ai hết cảm giác của việc đi xem tivi nhờ nhà hàng xóm. Có khi cả làng, cả phố mới có một gia đình có được cái tivi để xem. Đó là những gia đình khá giả và thường là có người thân đi Liên Xô gửi về. Báo chí, sách, phim ảnh thời bao cấp cũng thật khó để thoả mãn nhu cầu tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Thời bao cấp, người dân tìm mọi cách chạy bằng được vào cơ quan Nhà nước để được cấp sổ gạo: Làm việc ở phòng nọ, phòng kia cũng xin bằng được xuống sản xuất để được hưởng tiêu chuẩn lao động nặng từ 17 đến 21kg. Nhiều gia đình làm tư thương bên ngoài, bán quán nước cũng sợ cơ quan phát hiện cắt mất khẩu phần lương thực. Mỗi lần đến kỳ đong gạo mới vui làm sao: Nhà nhà xếp hàng, người người chen chúc.
Có gia đình dậy từ 3 hay 4 giờ sáng, cử người ra xếp “nốt”, thậm chí xếp bằng cả những cục gạch. Thế là mới có cảnh người ra sau vứt bỏ phần “nốt” của người trước mong chóng đến lượt mình. Thậm chí xếp được sổ rồi, nhìn thấy một chồng cao ngất ngưởng, cứ thấp thỏm lo mất sổ. Có người bị mất sổ gạo, trông mới thảm hại làm sao: Mặt nghệt ra, tái xám, toát hết mồ hôi. Thế là cả tháng đó phải chạy ngược chạy xuôi để lo tạm cấp, trước khi làm được sổ mới.
Thật là những chuyện cười ra nước mắt. Tập sách “Chuyện thời bao cấp” ghi lại những câu chuyện chân thực về sự khó khăn thời bao cấp, không chỉ để người xưa ôn lại chuyện cũ mà còn nhằm giúp cho thế hệ sau hiểu thêm được chặng đường gian nan mà thế hệ cha anh đã phải trải qua.