Mười tám tuổi, nhiễm HIV và chịu sự kỳ thị của người thân, đồng nghiệp, nhưng Đồng Đức Thành không suy sụp và nản chí như nhiều người cùng cảnh. 14 năm qua, anh đã tích cực tham gia vào việc tuyên truyền công khai cho quyền sống và làm việc của người bệnh giữa cộng đồng.Mười tám tuổi, nhiễm HIV và chịu sự kỳ thị của người thân, đồng nghiệp, nhưng Đồng Đức Thành không suy sụp và nản chí như nhiều người cùng cảnh. 14 năm qua, anh đã tích cực tham gia vào việc tuyên truyền công khai cho quyền sống và làm việc của người bệnh giữa cộng đồng.
Trước kia khi mới biết mình nhiễm HIV, tôi cứ nghĩ mình là người duy nhất đau khổ. Giờ đây đến tỉnh nào, chúng tôi cũng phải chứng kiến những câu chuyện, những tâm sự của các bạn cùng cảnh và mỗi ngày chúng tôi lại càng có thêm nhiều người bạn mới. Họ đủ mọi thành phần trong xã hội, kỹ sư, y tá, văn nghệ sĩ, sinh viên và những người lao động bình thường. Nhiều anh, chị vẽ rất đẹp và hát cũng rất hay. So với các bạn cùng cảnh ở các tỉnh xa Hà Nội, tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều. Có bạn đã từng lên kế hoạch tự tử nhưng không thành. Hầu hết, các bạn không đủ tự tin để tiếp cận với thông tin về HIV và các dịch vụ chăm sóc về y tế, xã hội. Thậm chí còn không biết cách để tự chăm sóc bản thân mình. Ngay tại thành phố Hạ Long quê hương của tôi cũng chưa có bất cứ câu lạc bộ hay nhóm tự lực của những người sống chung với HIV nào.
Tôi có cơ hội được đứng trước rất nhiều người cùng cảnh để chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân và những kiến thức đã được học từ tổ chức CARE và Policy. Tôi nhớ nhất một anh trong hội thảo đứng lên hỏi chúng tôi:
- Trước kia em nghe mọi người mách lên Hà Nội để mua thuốc, em mua thuốc uống được ba tháng sau đó lại nghỉ vì hết tiền. Anh cho bọn em biết tên thuốc và mua ở đâu để khi nào có tiền em lại mua uống tiếp?
- Chúng tôi không phải bác sĩ, cũng không phải chuyên gia nên chúng tôi không thể khuyên các anh, các chị về điều trị được, chỉ chia sẻ với các anh chị những kinh nghiệm về chăm sóc tại nhà thôi. Nhưng các anh chị không nên tự mua thuốc uống mà phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn. Chỉ uống thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự mua thuốc uống. Chúng tôi cũng là người nhiễm HIV như các anh chị thôi.
Tôi nghe có tiếng bàn tán to nhỏ ở phía dưới: “Chắc bọn này là cán bộ dự án như mấy lần trước nhưng nói đùa vậy để tạo không khí gần gũi thôi”.
Những ngày đầu, họ không tin chúng tôi cũng là người nhiễm HIV mà nghĩ chúng tôi là chuyên gia ở Hà Nội về. Các bạn cùng cảnh của tôi đa số là mù kiến thức về điều trị. Họ không biết được khi nào thì cần phải uống thuốc và uống suốt đời. Có tiền tự mua thuốc một vài tháng để uống sau đó lại nghỉ. Sự gần gũi và thân thiện giữa những người cùng cảnh như một thứ ngôn ngữ vô hình đã giúp chúng tôi gần gũi và xích lại gần nhau. Càng về sau chúng tôi càng hiểu nhau hơn.
Mỗi lần bế mạc hội thảo, sau năm ngày làm việc mệt mỏi, lần nào chia tay nhau chúng tôi cũng bịn rịn, quyến luyến không muốn về Hà Nội. Rất nhiều bạn đã khóc vì xúc động. Chúng tôi lại nắm tay nhau cùng hát vang bài hát “Gặp nhau đây, rồi chia tay…”.
Về tới Hà Nội, chúng tôi liên tục nhận được những lá thư, những cuộc điện thoại của các bạn nhiễm HIV ở các tỉnh gọi về với nội dung hỏi thăm sức khỏe. “Anh ơi bọn em đã thành lập nhóm rồi, thứ bảy tuần sau bọn em tổ chức lễ ra mắt. Em mời anh chị xuống tham gia vui với bọn em”.
Mối tình của những người nhiễm HIV cũng bắt đầu nảy nở, cho đến nay tôi cũng không thống kê được có bao nhiêu cặp tình nhân của những người nhiễm HIV. Có anh chị đã tổ chức đám cưới và sinh ra những đứa con bụ bẫm.
Đã có đôi tổ chức đám cưới và sinh con. Rất may là cháu không nhiễm bệnh – phần thưởng cho sự cố gắng, nỗ lực của họ. Cháu Nguyễn Hải Sơn Hà – vừa tròn ba tháng, bụ bẫm, nặng sáu cân rưỡi, giờ đây là niềm hy vọng của hai anh chị T – N ở nhóm Khát Vọng, thành phố Hồ Chí Minh. Lúc được hai tháng, làm xét nghiệm nhanh PCR để tìm kháng nguyên với virus HIV trong máu đã âm tính, cháu lại không bú sữa mẹ, anh T hy vọng lần xét nghiệm sau sáu tháng, kết quả sẽ lặp lại, và con anh không bao giờ phải chịu gánh nặng HIV/AIDS nữa. Cái tên anh chị đặt cho con mang ý nghĩa của tất cả thế giới này, với biển, núi và sông. Anh T mong chờ đứa con sẽ có khát vọng, ý chí mạnh mẽ của một người đàn ông. Những câu chuyện cảm động và kết thúc có hậu như thế không còn là hiếm nữa. Có anh đã chuyển sang giai đoạn AIDS nhưng vẫn tìm được hạnh phúc và tiếp tục hy vọng.