Ở Việt Nam chúng ta cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ miền núi đặc sắc. Không phải người miền núi nào viết văn, làm thơ cũng trở thành nhà văn, nhà thơ miền núi. Có người sống trong rừng sâu nhưng tác phẩm của họ lại đến được với bạn đọc cả nước. Có người sống trong núi rồi lạc mãi núi, không tìm được lối ra. Có người bỏ núi rừng, về Thủ đô sinh sống, làm công dân Thủ đô, nhưng lại cõng núi rừng theo, và rồi lại tiếp tục lạc rừng ngay giữa đô thị văn minh hiện đại. Làm nhà văn, nhà thơ đâu có dễ dàng. Làm một nhà văn miền núi còn khó hơn nữa.
Đố Bích Thúy là nhà văn đặc sắc viết về miền núi, nhưng chị lại là người ở dưới xuôi lên. Nhờ đằm mình trong đời sống, hiểu cặn kẽ mọi ngóc ngách, từ cảnh sắc, phong tục tập quán, đến đời sống, tính cách, tâm hồn và văn hoá của người dân vùng cao, với con mắt của người dưới xuôi, chị phát hiện được nhiều vẻ đẹp mà có khi chính người vùng cao lại không nhìn ra được…
Khác với rất nhiều những nhà văn khác, đọc Đỗ Bích Thúy cần nhẩn nha. Nếu đọc vội vàng sống sít, theo kiểu “nuốt sống ăn tươi”, đọc để biết nội dung thì sẽ chẳng thấy gì hết, bởi truyện chị rất giản dị, nhiều truyện không có cốt, hoặc nếu có cốt thì cái cốt truyện củng rất lỏng lẻo, mờ nhạt. Bởi thế, truyện Đỗ Bích Thúy thường không tóm tắt được, vì chẳng có gì để tóm tắt. Vậy mà chị vẫn dựng được thành một tác phẩm hoàn chỉnh, hấp dẫn, trong trẻo và buốt nhói.
Đặc biệt, Đỗ Bích Thuý có khả năng đi sâu vào thế giới nội tâm, khắc hoạ tâm lý nhân vật rất tài tình. Đây cũng là yếu tố quyết định thành bại của một nhà văn. Đối với nhà văn, không phải chỉ phát hiện vấn đề, củng không phải chỉ ở biệt tài kể hấp dẫn một câu chuyện có đầu có cuối. Qua các phóng sự, ký sự, nhiều nhà báo có tài cũng dễ dàng làm được điều này. Họ còn lợi thế hơn nhà văn ở khả năng cập nhật những vấn đề có tính thời sự nóng bỏng, thu hút sự chú ý của bạn đọc đương đại.
Trần Đăng Khoa