Tập truyện Đêm Qua Sân Trước Một Cành Mai mang đến cho người đọc những câu chuyện đầy chất thiền và cũng đầy chất thơ. Mỗi bài học nhân sinh đều toát lên vẻ đẹp trữ tình, mềm mại trong từng câu chữ nhưng không hề thiếu đi sự thanh thoát. Tác giả đề cập đến chuyện nhân tình thế thái nhưng không gò ép người đọc trong bất kỳ một khuôn khổ định sẵn nào, cũng không áp đặt một lý thuyết hay một bài giảng đạo đức giáo điều mà để cho người đọc tự cảm nhận, lắng nghe tất cả để rồi tự thấu hiểu, thu nhận vào lòng mình những ý vị riêng. Để từ đó ta có thể suy ngẫm về chính mình, về cuộc đời, hiểu ra chân lý của đạo và hướng tới một cuộc sống an nhiên...
*****
Ý vừa khởi, y bỗng thấy người tu sỹ đang tụng kinh văn, êm đềm như xưa. Lắng tay nghe lời kinh văn vẫn khó hiểu nhưng giọng tụng đầy âm thanh du dương sảng khoái. Vận dụng tâm ý loài người, bỗng vượn nghe lõm bõm ra mấy chữ "...muôn sự tại tâm, vạn pháp tại thức...".
(Trích Con vượn lông đỏ)
Bỗng nhiên, nàng thấy mình đi từ thế giới này qua thế giới khác, như đi cả vũ trụ. Tâm tư thế nào, thế giới ấy liền biểu lộ, không hề vướng mắc. Mỗi thế giới đều có một thanh âm khác nhau, chỗ nhẹ nhàng, nơi bi lụy, chốn say đắm, nơi thâm trầm. Nàng sực nhớ lời người lữ khách "Trong các loại thanh âm, thì im lặng là thanh âm vi diệu nhất". Vừa nhớ tới câu đó, một thế giới thù thắng hiện ra, đầy âm thanh mỹ diệu trầm bổng mà nàng chưa bao giờ được nghe.
(Trích Chuyện người kỹ nữ)
Người khỏe mạnh biết đi thì để họ đi, người đi không được thì cần cho họ một chiếc gậy. Đạo bao la như trời biển, cho nên học đạo phải có chỗ bắt đầu. Lý thuyết hệ thống chỉ là phương tiện, nhưng lại là phương tiện cần thiết. Tỷ như học trò đang ồn ào, thầy giáo phải gõ bàn cho học trò yên, khi học trò yên rồi, tiếng gõ bàn tất nhiên cũng phải dứt.
(Trích Người đạo sỹ bên gốc thông già)