Một tờ báo “đứng được” thường phải có vài chuyên mục để người ta tìm đọc. Dọn Vườn trên Văn Học, sau này thành của báo Văn Nghệ - là một chỗ như vậy. Tồn tại đã trên 50 năm, “dòng chảy nhỏ” này ăn theo dòng văn lớn, lại gạn đục khơi trong cho nó, có vẻ khiêm nhường mà xứng đáng được một vị trí quan trọng. Giầu kiến thức, giỏi văn phạm (tiếng Việt và cả tiếng nước người), tự tin, nghiêm nghị nhưng không kiêu ngạo. Hóm hỉnh, tinh quái mà chả thể nghiệt ngã quá.
Chuyên mục “gây sự” với sách, báo, tạp chí, thoại sân khấu, thuyết minh phim, chú thích tranh ảnh, đài phát thanh, sau này là truyền hình. Một lao động phức tạp: nhặt nhạnh, so sánh, đối chiếu, xác định mức độ chê, cách thể hiện… Nhiều tên tuổi bị động chạm: Huyền Kiêu, Phạm Hổ, Nguyễn Ngọc Tấn, Thép Mới, cả ông kỹ chữ Nguyễn Tuân. “Văn lâm” gai góc, có một thái độ thế phải rất bạo gan.
Tập sách này nhắc lại cho ta quá khứ chữ nghĩa, cho những nhận xét thú vị. Chuyên mục cũng cho thấy một thái độ làm báo hẳn là quá chỉn chu, nghiêm túc so với bây giờ. Những “tít” bắt mắt, lời bình cười chảy nước mắt.
Quá trình dọn vườn cho thấy sự thay đổi của ngôn ngữ ta, dù là trong sáng tác hay truyền thông đại chúng. Văn chương trước đây thiên về tả, câu thường một mệnh đề, chữ thì tránh những “tầng nghĩa” nước đôi. Cho nên sự tồn tại của Dọn Vườn Văn Nghệ là rất cần thiết, để chỉnh đốn, khơi gạn phần nào dòng chảy chữ nghĩa đang rất chi ồ ạt. (trích lời giới thiệu cho tập sách của nhà văn Trần Chiến).
Từ chuyên mục trên báo Văn Nghệ (tiền thân là Văn Học), Dọn Vườn do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức biên soạn được chia thành 2 tập. Tập I từ năm 1961 đến 1989 nhưng có gốc gác từ chuyên mục Chữ và Nghĩa không thường kỳ năm 1955; tập II từ năm 1990 đến 2005. Văn bản được sưu tập từ phòng lưu trữ của tòa soạn báo Văn Nghệ và Thư viện Quốc gia Hà Nội.