Giai thoại dân gian là những câu chuyện hay, dí dỏm, đầy chất dân dã về cuộc sống muôn màu muôn vẻ, có thể bắt gặp ở khắp nơi, trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, đem lại cho người đọc, người nghe tiếng cười sảng khoái, vui vẻ, sâu sắc, ý nhị.
Giai thoại dân gian là chuyện về các địa danh theo cách lý giải của dân chúng. Các giai thoại này thường gắn với những con người quả cảm, có ý chí vươn lên, hy sinh cho hạnh phúc của mọi người. (Thành Lồi, Núi Tháp Bút, Cầu Bươu...)
Giai thoại dân gian là các câu chuyện về những nhân vật mà hành động, suy nghĩ đều theo cảm quan của dân chúng, vừa thực tế, láu lỉnh vừa có sự uyên bác, thâm trầm, sâu sắc, gây được ấn tượng đáng kể cho người đọc như chuyện về Nguyễn Đăng Giai, Lê Văn Hưu, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Lê Thánh Tông...
Giai thoại dân gian gắn với phương ngôn ở các làng, gắn với các câu ca dao, truyền thuyết: Quán Đanh, Đít Lý râu, đầu Án Cộng...
Giai thoại dân gian đã dành một số trang đáng kể cho các nhân vật thông minh tài trí mà hành động, suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề đều đượm chất uy mua bình dân, không phải các nhân vật trong truyện cổ dân gian, truyện tiếu lâm mà là những nhân vật có thật trong cuộc đời (Chuyện kể về Ba Giai, Thủ Thiệm...)
Ngoài ra, giai thoại dân gian còn đề cập tới một số tác phẩm văn học, đặc biệt là Truyện Kiều và tạo nên quanh tác phẩm này những câu chuyện, những câu đối đáp thử tài khiến người xem rất thú vị.
Với sự phản ánh đa dạng, giai thoại dân gian cho thấy sự thông minh, hóm hỉnh, sâu sắc, nét đặc thù của con người và cuộc sống Việt Nam.
Cuốn "Giai thoại dân gian Việt Nam" này chắc chắn chỉ là một sưu tập nhỏ trong kho tàng đồ sộ về giai thoại đang phổ biến ở khắp mọi miền đất nước. Rất có thể, qua các câu chuyện trong sách, người đọc sẽ thấy mình là nhân vật hoặc tác giả của vô vàn giai thoại dân gian đang hàng ngày được sáng tạo thêm trong đời sống của chúng ta hiện nay.
Xin trân trọng giới thiệu!