...Trên đường về lại ốp của trường, An ghé lên Đồi Lenin. Chiều xám thẫm, một vài ngôi sao muộn đã lên, Matxcơva chìm trong một màn sương mong mỏng. Không khóc mà mắt mang mang hơi nước. An bước xuống phía dưới, đến thảm cỏ ngay dưới bậc đá hoa cương, mở gói giấy báo đựng tro và ngồi xuống bên cạnh. Những mảnh tình yêu của vợ con anh 67 lập tức bay lạt sạt trên Cỏ, nặng nhọc chứ không nhẹ bỗng bay lên cao như An nghĩ. Tàn tro của những con chữ có lẽ còn nặng hơn cả tiền vàng. Tiếng phong cầm dìu dặt vọng từ trên đồi xuống. An ngồi rất lâu nhìn về phía bờ sông. Những quầng lá sũng nước, màu vàng cũ kỹ tỏa ánh sáng nhờ nhờ. Ánh sáng hiu hắt cũng tỏa ra từ bầu trời, trên đó có một vầng trăng sớm, trăng lưỡi liềm, mảnh và mờ.
An ngồi bất động không nghĩ đến bất cứ điều gì, cứ ngắm Matxcơva trải rộng dưới kia, thành phố đã lên đèn, ánh sáng nhòa nhòa trước mắt An. Cho đến khi người cóng lạnh cả, quần bò đẫm ướt vì sương giá, An mới ra về...
(trích Phòng chờ)
"Điều bạn đọc cảm nhận sâu sắc nhất qua những trang viết của Thụy Anh, kể cả báo chí hay văn học chính là sự hồn hậu, tinh tế trong từng câu chữ.
...không hiểu sao tôi lại cứ liên tưởng một Thụy Anh của chiều sâu với hình ảnh cây bạch dương của nước Nga nơi chị đã có những năm tháng dài gắn bó. Có lẽ nên gọi chị là một nhánh bạch dương thì đúng hơn, một nhánh bạch dương run rẩy diu dàng. Sự run rẩy đầy nữ tính, tiềm tàng một sức mạnh. Sức mạnh ấy được tích tụ từ lòng nhân hậu, cũng là điểm gặp giữa chị và thiên nhiên, con người Nga. Và đó cũng là con đường để chị đến với chữ nghĩa. Với văn chương, Thụy Anh đã khơi đúng mạch ngầm ấy trong mình và bây giờ nó đang cần mẫn chảy róc rách đêm ngày để mang về những thành quả nho nhỏ, đều đặn..."
- Dương Tử Thành. E-văn, 2.5.2011
"Các câu chuyện ở văn xuôi Thụy Anh, từ đoản văn tới các sáng tác dầy dặn ở cấp độ cao hơn, dầy công hơn, đều cố gắng đánh thức tính thiện của con người.
Đọc Thụy Anh xong, dù có man mác buồn, người đọc vẫn thấy không quá bi quan. Dường như ở đâu đó, quanh ta tâm hồn con người, kể cả người bình thường nhất, vẫn lấp lấy vẻ đẹp còn có thể sinh sôi, nảy nở."
- Nguyễn Văn Thọ. Tiền Phong, 5.2.2010