...Ở vùng chiêm trũng quê tôi, người ta khao khát: “Ôi, ước gì làng mình có một ngọn núi, hoặc một dòng sông”. Nhưng không có. Vậy mà tạo hoá đã hào phóng ban cho làng tôi đặc ân lớn: vừa có núi, vừa có sông. Đó là núi Tiên Sa và sông Thiên Phái xinh đẹp. Với người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng núi và sông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống cả thể chất, cả tâm linh. Bởi người quê tôi ảnh hưởng sâu sắc thuyết phong thủy. Trong nền văn minh Trung Hoa có một dòng văn hóa rất mạnh mẽ chi phối đời sống tinh thần mọi thế hệ từ xa xưa như một tín ngưỡng vô hình, những ước định thành tập quán có vị trí riêng trong tâm linh con người và trong xã hội. Tới nay không chỉ Trung Hoa mà đã mở rộng đến không ít quốc gia khác. Đó là phong thủy. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thuyết phong thủy có từ thời Tiên Tần, song thật ra loài người khi còn mông muội, sống bầy đàn du cư, chủ yếu dựa vào săn bắt hái lượm, nhưng muốn dừng lại, dù ở trong hang hay dựng lều lán họ thường tìm nơi gần nguồn nước, cây cối xanh tươi nhiều hoa trái, nhiều ánh sáng, ấp áp về mùa đông mát mẻ về mùa hè, đi lại dễ dàng...Nghĩa là ý thức về phong thủy đã hình thành từ đấy.
Phong thủy là điều kiện tự nhiên tồn tại khách quan. Thuyết phong thủy là khoa học nghiên cứu mối liên hệ giữa môi trường với đời sống con người (cả dương phần người sống và âm phần người chết) nhằm đón lành tránh dữ. Để đạt mục đích ấy người ta phải trên xem thiên văn dưới xét địa lý vận dụng các học thuyết về âm dương, ngũ hành, thái cực, tứ tượng, tinh tượng, bát quái...xác lập nên hệ thống lý luận về long mạch, minh đường, huyệt vị...để soi đoán ba yếu tố cơ bản là phong (không khí), thủy (nước), và khí (khí đất) kết hợp tạo ra sinh cơ (sức sống). Đó cũng là then chốt của việc chọn đất. Đất phải có nước (thủy) mới tụ được khí, nếu không gió (phong) sẽ thổi khí tan đi. Vì thế bắt đầu phải từ long mạch. Long mạch gắn bó sự quán thông của vạn vật. Địa thế tự nhiên núi non, hồ biển, sông ngòi liên kết với nhau qua hệ thống mạch như cơ thể con người. Nó uốn lượn như rồng. Người xưa sùng bái rồng. Rồng biến hóa như sông suối gọi là thủy long; rồng nhấp nhô trùng điệp như núi gọi là sơn long; rồng vần vũ như mây trên trời gọi là vân long...Nơi tụ kết khí mạch của thủy long, sơn long, vân long...gọi là long mạch. Long mạch phải lưu thông không ngẽn tắc mới dẫn được nước đến và giữ được khí tụ lại để tạo sinh cơ. Nơi có sinh cơ người sống ở sẽ tốt và người chết chôn ở đấy cũng tốt. Thuyết phong thủy cho rằng con người sống lấy của cải từ đất và theo phép tắc của trời. Tôn kính trời và thân thiện với đất. Để khi chết thì hồn khí lên trời và thể phách về với đất. Khi xem xét đất thuyết phong thủy rất coi trọng núi. Núi là xương sống của đất. Ý của trờì thông qua đỉnh núi truyền xuống cho con người. Núi cũng là chỗ dựa, là nơi quy tụ và che chở cho âm linh người chết. Sông là long thuỷ, tức rồng nước. Nước nuôi dưỡng sự sống của muôn loài. Lại giữa vùng bình nguyên bằng phẳng, gió lộng tám phương bốn hướng. Gió là khí thiêng sông núi, là tinh hoa nhật nguyệt. Sách “Quản tử độ địa” viết: “Phàm lập quốc đô (Thủ đô) nếu không là dưới đại sơn (núi lớn) thì bên đại xuyên (sông lớn)”. Làng Mai Độ của chúng tôi lưng tựa núi, mặt nhìn sông. Thế đất long chầu hổ phục, thật hiếm nơi có được.
Hầu như dân tộc văn minh nào trên thế giới cũng sản sinh ra những huyền thoại hoặc truyền thuyết lý giải về nguồn gốc, về quê hương xứ sở của mình. Người Nhật Bản có chuyện “Thần Mặt Trời”, người Trung Hoa có truyền thuyết “Ông Bàn Cổ”, người Việt Nam có thần thoại “Âu Cơ - Lạc Long Quân”,“Sơn Tinh- Thuỷ Tinh”...Đối với người dân làng Mai Độ chúng tôi, ngọn núi dòng sông ấy gắn với một huyền thoại trữ tình tuyệt vời...