Danh và lợi ai mà không ham, nhưng nên ham muốn vừa phải. Nên tự hào là một hột cát trong bức tường, một hột cát tốt. Đời quá rộng rãi còn nhiều thú vui khác, ngoài vòng danh lợi. Ta đi dạo phố ngắm mây bay, theo dõi chiếc thuyền nhỏ đang mất dạng ở khúc sông quanh co. Những phi hành không gian, bác sĩ ghép tim, chiến sĩ tranh đấu ngoài trận tuyến... đều là nghệ sỹ nào phải chỉ riêng với người cầm bút. Họ với tới, họ thử thách với cuộc sống, với đời họ.
- Sơn Nam
Sơn Nam là nhà văn Việt Nam, không riêng cho Nam Bộ. Dù cả đời ông mới nhích từ Cà Mau lên tới Sài Gòn; phong cảnh và tâm cảnh của ông chỉ xê dịch trên sông nước Miệt Vườn. Trong Người Việt có dân tộc tính không? (1969) Sơn Nam “khẳng định": không có người Miền Nam mà chỉ có người Việt Nam.
- Đặng Tiến
Về tác giả:
Sơn Nam (1926-2008) - tên thật là Phạm Minh Tày (Tài) - sinh năm 1926 tại làng Đông Thái, huyện Gò Quao, Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang).
- Học tiểu học ở Gò Quao, trung học ở Cần Thơ
- Năm 1945, gia nhập Thanh niên Tiền phong. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông làm Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Rạch Giá.
- Năm 1950, ông công tác tại Phòng Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ.
- Sau Hiệp định Geneve 1954, ông về lại Rạch Giá. Năm 1955 ông lên Sài Gòn làm báo, viết văn. Bị bắt giam tại nhà tù Phú Lợi (1960-1961). Ra tù ông tiếp tục làm báo và viết văn, viết sách khảo cứu về Nam Bộ.
- Sau 30/4/1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn nghệ.
- Ông mất ngày 13/8/2008 tại Tp. Hồ Chí Minh.