...Lần giở từng trang sách của Võ Thị Hạnh Thủy, tôi càng thấm thía câu nói của nhà thơ Xuân Diệu. Ông bảo: "Khi phụ nữ đã ngang tầm trí tuệ với đàn ông thì họ hơn đứt đàn ông cái tình cảm và xúc cảm. Mà tình cảm, xúc cảm mới là gốc của văn chương, nghệ thuật". Điều ấy thật đúng với trường hợp Võ Thị Hạnh Thủy. Quả là chị cuốn hút người đọc không phải bằng lối viết mới lạ, hay cốt truyện ly kỳ, hoặc số phận éo le của nhân vật, mà bằng chính tình cảm, xúc cảm và tấm lòng của người viết. Đó là tấm lòng đôn hậu, tin yêu con người và có trách nhiệm với cuộc sống. Điều ấy lại được thể hiện bằng ngòi bút tươi tắn, điềm đạm với cái nhìn tinh tế của một người phụ nữ trẻ trung mà không kém phần lịch lãm, từng trải.
Những nhà văn đích thực, bao giờ cũng là người đồng hành với những số phận mỏng manh, bất hạnh. Văn chương không có trong cung vua phủ chúa. Văn chương chỉ rực sáng và bừng lên hết vẻ đẹp quyến rũ của nó trong những mái gianh nghèo hay túp lều của người hành khất. Một cô Kiều quằn quại trong lầu xanh, một anh Pha, Chị Dậu bế tắc, cùng quẫn, một gã Chí Phèo điên khùng, say xỉn, bị xã hội đẩy vào ngõ cụt, đường cùng, bước chập choạng trong ranh giới giữa người và thú…
Những nhân vật của Võ Thị Hạnh Thủy cũng thế. Chẳng có ai may mắn, hạnh phúc. Họ đều là những kiếp người nhỏ bé, mỏng manh, trong một xã hội hiện đại ở Núi Đọi, thung Lạp Sa, hay…phía núi bên kia. Những thân phận bất hạnh quẩn quanh trong những vũng tối hiện đại, nhưng không cam chịu số phận đã an bài mà luôn vươn tới ánh sáng. Đó là những cơn mưa giải nồng. Cuồng nhiệt và mát mẻ. Nhưng không phải cơn mưa rực rỡ sắc cầu vồng, có khả năng mê hoặc ta, mà chỉ giản dị thôi, một cơn mưa “ngược sáng”, cho ta thấy hết dáng vẻ và mầu sắc của nó, cả khoảng sáng và mảng tối. Chính vì thế mà nó gần gũi hơn, chân thực hơn...
(Nhà văn Trần Đăng Khoa)