Trong thế hệ viết 7X, nhìn lại Trần Nhã Thụy là một trong số ít cây bút bản lĩnh, tìm được phong cách. Để làm được điều đó, chắc chắn anh đã phải trả giá không ít. Ít nhất là lăn lộn để sống, giành giựt với mưu sinh để cầm bút với ước mơ của mình. Mới thôi, hai mươi năm. Mùi thời gian và thanh niên sẽ qua đi. “Mùi” còn lại trên tay bạn hôm nay là tập tập truyện ngắn - tạp văn (Nxb.Hội Nhà Văn 2011), như kết quả quá trình làm nghệ thuật chữ nghĩa của tác giả.
Trên lý thuyết, “mùi” là khí quyển đặc trưng được quy ước để nhận ra nhau. Mỗi dân tộc có một mùi và được xem dưới góc độ thực nghiệm như cá tính hay bản sắc. Trong văn chương mùi chính là bút pháp để bạn đọc nhận ra chất giọng riêng biệt của mỗi tác giả. Vì thế mùi càng đậm đặc càng là dấu chỉ đẳng cấp nhà văn. Tôi nhớ trong tác phẩm Mùi hương của nhà văn Patrick Suskind đã kể về hàng trăm thứ mùi và một nỗi sợ hãi mất mùi của nhân vật Jean - Baptiste Grenouille. Sự lẫn lộn của cá tính hay đánh mất bản sắc là cuộc truy tìm lại “bản năng gốc” của chính mình. Trần Nhã Thụy đã viết rất đáng suy ngẫm “khi mới vào đời, được hưởng ái ân, người ta bảo đó là hưởng “mùi đời”. Nhưng bị đời quăng quật bầm dập thì cũng gọi là nếm “mùi đời”. Sướng hay khổ cũng quy về…Xem ra cái “mùi đời” là mùi cơ bản của tạo hóa”…
Trung thành với lối viết truyện không có cốt truyện hay tự cốt truyện ẩn sâu trong chi tiết, trong quan sát, trong một hình dung từ hay một câu văn, những truyệnDưới cơn mưa tầm tã, Phong cảnh Tây Liêu, Nhà văn quèn và đạo diễn lừng danh…có thể xem là thành công của tác giả. Viết như không. Tưng tửng chơi chơi mà kinh hồn động vía. Một người đàn ông có vợ hai con trai tự dưng rơi vào một cơn buồn ngủ. Để y miên man bề mặt và lộn trái cái thế giới mờ nhòe hư - thực đó. Với cuộc đời “chớp bóng” cánh bướm này ai dám cả tin rằng cái ta đang thấy chính là chiều kích cuối cùng? (Cả thảy gãy bốn ngón chân ). Một toán thợ câu đêm hay câu mơ ước của chính mình? Những kẻ chuyên ngủ với quyển sách đè nặng trên ngực vẫn thường nằm quên trên những lý thuyết toác hoác đá tảng mà một ngày mới lãi đến vốn rất diêm dúa, xinh tươi? (Những kẻ câu đêm). Truyện Trần Nhã Thụy đôi lúc quyến rũ bởi sức gợi của trí tưởng tượng mà tác giả mở ra chứ không khô cứng như một hình ảnh minh họa “một đoạn văn hơi khó hiểu nhưng gợi trong anh những âm thanh, hình ảnh đẹp đẽ, khó phai…Những chuyển động của dòng ý thức đối với anh thật mờ nhạt. Anh dường như chỉ sống bằng tình cảm…Anh di chuyển chậm rãi trên những lộ trình…”.(Con quỷ và thằng nhỏ)
Và “lộ trình” đó còn ở phần tạp văn viết rất chăm chút và bay bướm của Trần Nhã Thụy. Tôi gọi đó là độ bay hay độ phiêu của ngôn ngữ. Đôi khi chúng đẹp như một bài thơ. Hãy đọc các tản văn Mùi, Đinh và người, Những người chơi mặt buồn, Quy hoạch giấc mơ, Cuộc đời dài quá…khá ấn tượng đôi khi kiểu cách. Sự lão luyện và cao thủ của một ngòi bút biết rèn luyện hàng ngày qua lau lách nỗi buồn. Đó là mùi rượu ủ lâu dưới hầm. Của “những phiến đẹp và buồn”. Hương thơm của trí tưởng và ngôn từ…
Nguyễn Hữu Hồng Minh