Mục lục
Trích đoạn truyện ngắn Vịt và người:
Trước Chúa, chúng ta hoàn toàn bình đẳng
về sự khôn ngoan … và về sự điên rồ
(EINSTEIN)
Trong trường hợp như sắp diễn ra đây, một nhà văn tài tình hơn tôi sẽ làm một điều tôi không làm được, nhà văn đó chắc là sẽ dùng ngòi bút mô tả hết sức du dương như sau: bỗng một tiếng nói cất lên làm tan mất cái tĩnh lặng tiết chớm đông Hà Nội…
Đúng thế, vì tôi bỗng giật mình! Buổi chiều Hà Nội chớm đông đang bắt đầu khô khô để nhiều mảng màu sắp sửa hoe hoe vàng. Và cái thành phố vào lúc sắp lên đèn yên lặng đến lạ lùng. Hà Nội khi đó vẫn còn hơi hướng một cái làng, chỉ thiếu một nét xưa nhà nhà người người cầm cây đèn hoa kỳ đi sang nhà hàng xóm xin lửa nữa là hoàn thành bức tranh quê …
Khi xảy ra câu chuyện đang kể đây, Hà Nội đã không còn nữa tiếng còi báo động, nhưng vẫn chưa có nhiều tiếng xe pháo ngày đêm gầm gào, và cũng chưa có nhiều người đổ về các loại chợ lao động họp giữa đường cả ở đầu ngõ các cửa ô cũng như ở cửa các văn phòng dịch vụ tư vấn, để mà chen vai thích cánh tranh nhau hoặc chia nhau chút hy vọng còm.
Cả một con phố dài dằng dặc trải ra trước mặt tôi vẫn không một bóng người, vì cái tầng lớp người còn có cái thú vui tản bộ trên đường phố Hà Nội đã vơi đi quá nhiều. Để nhấn mạnh cho cái thênh thang của đường phố, đó là dáng đi lạch bạch của hai con vịt đi phía trước, cách xa tôi chừng dăm mét. Tôi vừa đi theo hai nàng vịt vừa thầm nghĩ trong bụng: “em” gầy gầy kia là người đàn bà vỗn dĩ ở phường Khán Xuân, còn “em” beo béo hơn một chút đi bên cạnh chắc chắn giống người đàn bà vốn dĩ ở làng Nghi Tàm… Nghĩ rồi lại tự trách mình: “Hủi quá đi mất! Báng bổ quá đi mất!” Nói đùa nghĩ đùa vậy thôi, chứ thực lòng, tôi yêu vô cùng hai nàng thơ ấy, một người chắc chắn là dáng beo béo, nhàn nhã, và một người chắc chắn là dáng gầy gầy, nhẹ nhõm.
Cuộc sống chẳng khi nào chiều lòng người quá: tôi chẳng có điều kiện để được mơ mộng lâu thêm nữa trong cái tĩnh lặng Hà Nội khi bước vào thời hiện đại.
Lúc hai ông bà đó cất tiếng nói với nhau, tôi bỗng nhận ra rằng mình không đơn độc trên đường phố, mà sát bên mình, và có lẽ cùng đi song hành từ rất lâu cùng với mình cũng nên, còn có hai người nữa.
Nói cho đúng, ấy là tiếng bà vợ nói với ông chồng, vì tôi nhìn qua và để ý, thì mới đầu chỉ thấy ông chồng gật gù nghe vợ nói và tủm tỉm cười. Tuy bà vợ nói khẽ, chỉ đủ cho ông chồng nghe, nhưng tiếng bà trầm trầm trong cổ họng như tiếng đàn ông nên vang khá xa đến tận tai tôi.
Bà vợ:
- Hai con cùng què!
Chẳng biết vì sao, khi đó tôi lại xen rất nhanh vào câu chuyện của họ:
- Không què!
Và khi đã không kìm hãm được nữa, thì cái gì định nói nhất định sẽ phải tuôn ra:
- Chú ý hai con mắt!
Hai ông bà cùng dừng lại và cùng nhìn tôi như thể tôi vừa từ trên bầu trời theo máy bay Mỹ vào ném bom Hà Nội, xong xuôi đâu đó thì lạc bước xuống con đường đầy lá vàng này để cãi lại họ rằng không, hai con vịt đó không què, nhưng hai con vịt đó có những con mắt hết sức khác thường.
Đúng thế, rành rành tôi thấy hai con vịt đang lạch bạch đi giữa đường phố thủ đô có đôi con mắt khác thường: một mắt ở phía trước, mé bên trên sống mũi, và một mắt ở phía sau phía trên gáy. Đôi vịt đó không có hai con mắt ở hai bên gần thái dương, ở gần cái địa chỉ bà con thường sau khi đè nghiêng kẻ tội đồ can tội làm cho người Việt Nam mắc tội sát sinh, để bà con đành lòng sau khi thành kính đập đập con dao bài vào đúng cái chỗ ấy, làm cho mạch máu nổi lên đập giật giật, rồi miệng thì lẩm bẩm tao hóa kiếp cho mày, mày sinh kiếp khác nhé, hôm nay cho tao đĩa tiết canh thật ngon…