Kiệt Tấn, ngó hiền khô, dáng lờ đờ, miệng ít nói, nói bằng mắt, nhất là với… đàn bà. Kiệt Tấn viết về đàn bà, thương đàn bà, thương muốn chết, khoái đàn bà, khoái chí tử, ghiền đàn bà như ghiền ma túy và dĩ nhiên, nếu đàn bà lại đọc Kiệt Tấn và cho dăm ba ý kiến thì còn… gì bằng.
Trái ngược lại với bọn con trai, vì yêu đương mà xao lãng đèn sách, khi có người con gái bên cạnh tôi càng học được. Tôi vừa đánh đàn vừa học bài, thỉnh thoảng hôn lên má nàng một cái, vậy mà học tiến bộ ngó thấy. Không có nàng, tôi lăng xăng tìm kiếm, không học hành được gì hết. Tìm không ra, tôi tưởng phát khùng tới nơi. (Người em xóm học, trang 82)
Khác với Nụ cười tre trúc, Thương nàng bấy nhiêu không mang cho người đọc cái “choc” ban đầu. Quen với bút pháp Kiệt Tấn, độc giả không còn bỡ ngỡ với lối nói thẳng toẹt, chẳng giấu diếm, phanh phui từ tình cảm đến thân xác: thân xác mình, thân xác người đối diện, không chỗ nào từ.Nụ cười tre trúc đến với người đọc bằng tình yêu quê hương, yêu mẹ, bằng những khám phá, những rạo rực của tình yêu và nhục cảm của người con trai mới lớn, bằng những trạng thái điên loạn của tâm hồn, bằng những hình ảnh khó phai của một quá khứ vật vờ trong đời người xa xứ. Nếu trong tình yêu, Nụ cười tre trúc còn chút ngượng ngùng, dè dặt của thuở ban đầu, thì Thương nàng bấy nhiêu đi thẳng vào tình yêu của ông cũng rõ ràng: Riêng tôi, tôi không quan niệm tình yêu mà không có tình dục. Nếu ép tôi bỏ một thứ, có lẽ tôi giữ lại tình dục. (Đêm cỏ tuyết, trang 61)
Tôi đam mê, nhiều lúc muốn tự vận thì có. Yêu? (còn phải hỏi lại). Biểu tôi định nghĩa tình yêu, tôi cũng bí luôn. (Đêm cỏ tuyết, trang 67)...