Tình đầu của mẹ tôi là ông Dũ, một thầy giáo làng lưu lạc vô Nam từ Ngọc Hà, nói giọng miền Tây rặt địa phương, vừa dạy học vừa kiếm thêm thu nhập bằng nghề buôn đất ruộng. Mẹ tôi tên Lang. Dũ - Lang. Hai ông bà có đứa con gái đầu lòng da đen nhẻm, được đặt tên Lãng Du.
Cái tên định mệnh, Lãng Du có số di dịch tợn. Do ở làng không có trường trung học, hết lớp nhất chị được gửi từ Vàm Mương lên Vĩnh Khúc trọ học nhà cậu Thìn nơi chị bị coi như cháu ghẻ. Được ba năm chịu không xiết bà mợ chì chiết, chị xin cha mẹ chuyển lên Sài Gòn ở đậu gia đình dì Ngọ, gần khu chợ Thái Bình. Giai đoạn này bà chị cùng mẹ khác cha của tôi trải qua nhiều truân chuyên bởi dì Ngọ ác không thua chi mụ Thénardier trong Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo. Bao nhiêu là tiền và quà cáp của mẹ tôi từ dưới quê gửi lên cho dì, những mong chị Du được đối xử tử tế, trái lại, y như tiểu thuyết, chị Du bị coi như một con đòi. Ngoài việc phải bồng nách mấy đứa con nhỏ của dì Ngọ đến chai một bên hông, chị còn kiêm thêm việc vặt trong nhà gọi là phụ tá cho bà người làm tên Tươi có cái mặt chửi cái tên vì trớ trêu là nó thường trực bí xị. Do gian trước cách gian sau một khoảng sân nhỏ lại không có nhà vệ sinh nên cả nhà 6 người, không tính bà Tươi và chị Du, đi tiểu đêm trong một cái khạp mà sáng nào chị Du cũng phải cong lưng khuân đổ vô cầu tiêu ở nhà dưới. Cái mùi a-mô-nhắc, theo như chị nói, nó bám vô trong tóc rồi lần vô óc, nín thở vẫn xì ra theo lỗ tai, có khi làm cay mắt nữa! Đã vậy còn bị ông dượng thỉnh thoảng dê một miếng chơi cho vui. Nựng bóp bậy bạ cho đỡ ghiền vậy thôi chứ thương yêu gì, cũng may chưa dám vượt qua vòng lễ giáo của một người chồng rường cột, một người cha bốn con, trong đó một đứa xấp xỉ tuổi chị Du.
Trong khi chị Du bôn ba phố chợ, vừa đi học vừa ở đợ, ở vườn ông Dũ làm ăn thua lỗ thiếu nợ lút đầu, phải bỏ trốn, sẵn tiện bỏ luôn mẹ tôi với cái thai 4 tháng. Vụ phá thai sau đó với sự giúp sức của môt lang băm miệt vườn đã làm mẹ tôi kiệt quệ cả hồn lẫn xác. Thảm kịch này họ hàng chưa ai kịp biết, chị Du lại càng không, do mẹ tôi muốn bảo mật cuộc đào tẩu của ông Dũ lâu được chừng nào hay chừng nấy, một phần cho sự an toàn của ông ta, một phần cho bản thân và đứa con gái nhỏ lưu lạc. Đồ đạc trong nhà bị chủ nợ xiết hết chỉ còn trơ cái chõng nơi mẹ tôi nằm rên hừ hừ chờ ngày qua.
Không nhận được tiền hàng tháng từ mẹ tôi, dì Ngọ đã thực sự coi chị Du như một con ở. Lu bu vậy nên chị học dở ẹc, có cái bằng trung học đệ nhất cấp mà rớt lên rớt xuống không biết mấy năm. Có lần chị giúp bà Tươi viết cái thư tuyệt mệnh để lại cho dì Ngọ trước khi bà ta bỏ trốn; âm mưu bại lộ khiến cả hai bị phang một trận bằng thước bảng tóe máu đầu. Phải công nhận dì Ngọ có kiểu tra tấn dã man. Phang thước bảng từ xa chỉ là bước lung khởi, qua giai đoạn trực khởi, dì tấn phạm nhân vào kẽ hẹp giữa hai tủ đứng chỉ vừa ngám cho một người rồi quất túi bụi bằng cán chổi lông gà. Kẻ chịu tội hết đường tẩu. Sau đó là một bài mo-ran ngũ vị hương. Tại vậy mà có lần đi lấy 5 cái quần tây của ông dượng ở tiệm giặt ủi, bờ chờ bợt chợt thế nào trên đường về làm tuột mất một cái, chị Du sảng hồn không dám về nhà. Chị chui vào một trong những cái cống xi-măng để lăn lóc chỗ công trường xây dựng, ngồi chồm hổm ở đó đến tối. Một tay khư khư 4 cái quần còn lại, một tay chị nắm cục gạch gói kín trong lòng bàn tay, miệng lâm râm khấn xin Trời Phật biến cục gạch thành cái quần tẹc-gan có màu xám tro kích 42, lâu lâu lại hé ra nhìn coi linh nghiệm chưa. Chị thiếp ngủ với cục gạch nóng hổi trong bàn tay nhỏ xíu, cho tới khi có ông cảnh sát đến rọi đèn pin. Mấy chuyện này về sau chị kể đi kể lại cho tôi nghe hoài, mỗi lần thêm thắt một chút, nhưng lần nào cũng làm tôi mê mẩn.
Ông Dũng, một công tử vườn hơi cứng tuổi hưởng gia tài 400 mẫu ruộng từ cha già là Hội Đồng Chánh mới qua đời, đang loay hoay kiếm vợ thì cảm cảnh bơ vơ của mẹ tôi, một người đàn bà hãy còn nhan sắc, với ánh mắt bén mà không ác, hai bạnh cằm chữ điền đầy cương nghị. Chẳng phải ông không bâng khuâng trước các cô thôn nữ môi mắt đưa đẩy, nhưng vốn có chút tây học, ông muốn cuộc hôn nhân của mình chững và có một ý nghĩa nhất định; hơn nữa người đàn bà này biết đọc biết viết, đã có thời giúp chồng ăn nên làm ra, biết đối nhân xử thế, lại nghe đâu trong huyết quản còn lợn cợn chất Bắc kỳ 18 đời ông bành tổ với gốc gác không tệ, chỉ do đời đưa đẩy về ruộng theo chồng. Vào thời điểm này, mẹ tôi được tin mật ông Dũ đã trốn ra Bắc. Vậy mới biết không phải ai đi theo cách mạng cũng đều có lý tưởng.
Dũng - Lang. Rất không lâu sau khi ông Dũ biệt dạng, tôi ra đời mang tên Lãng Dung. Vẫn cái kiểu nói lái, đích thị là món sở trường của mẹ tôi. Chẳng phải bà hay chữ, nhưng thấy tiện dụng, khỏi mất công suy nghĩ. May mà thuận nhĩ. Thử tưởng tượng một cái tên khác, Hùng - Lang. Lung Hàng, Làng Hung, Hang Lùng. Hoặc Cường - Lang. Cang Lường, Lương Càng, Làng Cương. Thật chẳng ra làm sao. Ông Dũng hoàn toàn tán thưởng, còn khen Lãng Dung đọc lên nghe đắt và mềm. Tên này cũng định mệnh, bởi tôi có một dung nhan cực lãng. Da dẻ có mịn màng trắng trẻo hơn chị Du, mũi không tòe loe cánh dày, môi đỏ chúm chím, nhưng hai mắt mài mại, con này đuổi con kia, không phải kiếu hai em kình nhau sừng sỏ, cũng không phải tỏe về hai hướng. Như thế này, nếu một em ở đúng vị trí, em kia lân la đến gần như hỏi thăm ê, sao đứng đó chi vậy, y như muốn đuổi đi chỗ khác chơi. Đại khái thì sự loạc choạc này không ảnh hưởng gì đến thị lực, tuy về sau tôi bị cận thị, một em luôn phải làm việc nhiều hơn em kia khiến việc xua đuổi lẫn nhau ngày càng gay gắt.
Tuổi thơ của tôi vì vậy không vui. Đi học thường bị bạn chọc. Lêu lêu lé kim, liếm ke. Rồi sẵn dịp lêu lêu Dũng - Lang, Lãng Dung. Bị cười nhạo khuyết tật và bêu tên cha mẹ là chuyện nhục nhã kinh khủng đối với trẻ con. Trường học đối với tôi chẳng khác nào địa ngục. Mặc dù được các thầy cô thương vì học giỏi, chỉ có mấy đứa mù chữ trong Vàm là tỏ ra vị nể, do biết tôi cháu nội ông Hội Đồng, lại được mẹ cho ăn mặc sạch sẽ trông khác hẳn cái đám lam lũ suốt ngày mò tôm bắt ốc, lang thang mót lúa sau mỗi vụ gặt. Gá nghĩa với ông Dũng, mẹ tôi dần hồi phục cơ ngơi, tiếp tục gửi tiền cho dì Ngọ để nuôi chị Du ăn học. Hơn bao giờ hết, mẹ không muốn chị Du về lại Vàm Mương.
Chuyện học hành của tôi không khác với chị Du là mấy. Tôi vừa mới lên lớp ba, mẹ liền đày ra chợ Quản tá túc nhà cậu Thân, xin cho vô trường tiểu học thị xã. Sau mấy năm lình bình, công tử vườn giao mọi thứ cho vợ quán xuyến, lại thêm có chút của ăn của để đâm ra nhàn cư ngày nào cũng nhậu ba xi đế với đám tá điền thân cận đến be bét. Tây học là vậy nhưng khi bí tỉ có bao nhiêu nho rừng mang ra vãi muốn thúi lỗ tai. Dần dà bổ sung thêm ngón khỏa thân cưỡi kim ngưu, rồi chỉ cần ngà ngà đã hươi đoản đao, múa trường kiếm, sẵn sàng chém bỏ mạng tào khang chi thê. Em ơi, tình như một đường gươm…Trong nhà không lúc nào yên, bởi mẹ tôi cứ rình cho ba tôi tỉnh rượu để đay nghiến, chữ nghĩa ra gì; hai người có khi quần nhau đổ máu mặc tôi gào khóc kinh hãi. Tiềm tàng lập trường chính trị ba phải từ hồi nào không biết, hôm thì đội cái vịm trên đầu chân nam đá chân xiêu miệng chửi tổng thống phe quốc gia, hôm khác lại ngâm thơ con cóc cười nhạo chủ tịch phe cách mạng cáo hồ lộ tẩy lòi đuôi. Hai ba tháng bị Việt Minh cảnh cáo, vài ba tuần bị phe chính quyền bắt nhốt dằn mặt. Mẹ tôi một mặt lo gửi tiền lên Sài Gòn cho dì Ngọ, một mặt mướn người chèo ghe lên thị xã cống cho gia đình cậu Thân toàn đặc sản hảo hạng miệt vườn, còn thì cứ chạy vạy tảo tần thăm nuôi người hùng sa cơ trên đường cứu nước.
Đến đây chưa có ma quỷ hiện hình, nhưng rõ ràng là trong mỗi người đã nhập nhòa bóng tối, đầu óc vần vũ mây mù như chực mưa bão. Tám tuổi, tôi lủi thủi tị nạn trong gia đình cậu Thân, chơi một mình trong sân trường, khóc tủi phận trong vườn cà cạnh cái mả đá của ông ngoại.
(trích Nhăn rúm)