Tôi ngậm ngùi nhìn xuống dòng sông, màu nước vàng nhạt màu phèn, dòng nước đứng trân không còn nước ròng nước lớn. Tôi chợt bồi hồi nhớ đến con bìm bịp, chắc những ngày đầu đóng cống, nó đã gọi đến khàn hơi mà không thấy con nước lớn quay về.
Hôm sau, tôi lại về thăm cánh đồng Chó Ngáp, cánh đồng hoang nổi tiếng đói nghèo của bao nhiêu thế hệ đi qua. Vậy mà chỉ sau sáu bảy năm con người có sáng kiến đưa nước mặn lên đồng để nuôi tôm sú thì sự nghèo đói đã thuộc về quá khứ, nhà tường mọc trắng hai bên bờ sông, sự đổi đời giống như trong cổ tích. Chị Ba Chí ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi kể với tôi, xứ này ngày xưa hiếm thấy ai đeo một chiếc nhẫn vàng, vậy mà bây giờ, hễ có đám tiệc, mỗi cô, mỗi bà đeo trên người năm bảy lượng. Nhà chị hồi trước nghèo rớt mồng tơi, làm năm mươi công ruộng mà năm nào cũng thiếu ăn. Vậy mà sáu năm nay nuôi tôm, năm nào cũng thu nhập từ hai trăm đến ba trăm triệu đồng. Tôi hỏi, chị tích lũy được hai trăm cây vàng chưa, chị cười bẽn lẽn nói: "Làm gì nhiều vậy chú, khoảng một trăm thì có...". Rồi chị chợt buồn: "Nhưng mà hết rồi chú ơi, tôi thu hoạch vụ tôm này là vụ tôm cuối cùng...".
Tôi hiểu chị Ba muốn nói gì khi đưa mắt nhìn xuống dòng sông...
Nước ngọt về. Dòng nước như sự đói nghèo đè lên sự sống.
Nước ngọt về. Đất đai sẽ về lại với hoang vu.
Nước ngọt về. Sự đổi đời ở đây như vừa thoáng qua một giấc chiêm bao.
Vậy mà dòng nước cứ về, mang theo một quyền lực vô hình không ai dám ngăn cản lại.
...
Mục lục:
Lời ngỏ
Hồ sơ một vết thương
Nhật ký tình người
Giữa hai dòng nước
Thư viết từ đất mũi
Nồi cháo trắng
Nỗi niềm U Minh Hạ
Dưới chân đài tưởng niệm
Đau thương trên đất Cà Mau
Nơi ấy bây giờ