...Từ bỏ một cốt truyện chặt chẽ, từ bỏ một câu chuyện dù hay ho thú vị đến cỡ nào, để viết một truyện ngắn “không đầu không cuối” là một cuộc phiêu lưu của những nhà văn tự tin biết mình có những phương cách khác để cuốn hút người đọc. Đó có thể là một nhịp điệu của văn bản được tạo ra mang không khí của một bài thơ; một cuộc thám hiểm đến tận cùng cõi vô thức âm u, cõi chiêm bao, ý thức hỗn độn, những xung động của sex của sự bất lực hay tuyệt vọng; một cuộc “triển lãm” từ ngữ thông qua một cuộc trò chuyện không đi đến đâu như chúng ta vẫn thường thấy trong đời thực; một suy tư triền miên về cuộc đời của một nhân vật nào đó; một không khí lạ lẫm được tạo ra chỉ bằng ngôn ngữ... Tóm lại, họ không để tâm đến chuyện viết cái gì (khác với hầu hết các nhà văn, chẳng hạn, Somerset Maugham hay William Faulkner; khi luôn phải tìm ra một câu chuỵện gì đó để kể), mà là viết như thế nào. Phải, họ chú trọng đến cách viết không như một yếu tố hình thức mà như chính linh hồn của truyện ngắn. Họ biết rằng đó là những phương cách để chinh phục người đọc ngày nay vốn đã được trang bị rất nhiều công cụ tri thức và thẩm mỹ để can dự vào một văn bản truyện ngắn. Không còn thụ động đón nhận một nội dung do nhà văn đem tới; kể ra, người đọc mới bây giờ sẵn sàng "ngắt (một) mạch” để suy nghĩ, cảm nhận cùng nhà văn, tham dự vào công việc sáng tạo của nhà văn. Chắc chắn đó là thách thức mà người đọc đặt ra cho nhà văn.
Trong tập sách này, các nhà văn Bích Ngân, Phan Hồn Nhiên, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, bằng nhiều cách khác nhau, đã vượt khỏi cách xây dựng cốt truyện thông thường để thể hiện trong các truyện ngắn của mình những dự phóng và đặc điểm nghệ thuật kể trên.
Vẫn thấp thoáng có những câu chuyện, nhưng không được kể ra mạch lạc một cách chủ ý, chỉ thấy một hai mảnh nhỏ phản chiếu cái toàn cảnh, một vài chi tiết khơi gợi một bức tranh. Như thể họ muốn nói với người đọc rằng, “Cũng như tôi, các bạn đã biết câu chuyện xảy ra thế nào rồi đấy; đây chỉ là cái nhìn của tôi về nó”.
Không có kịch tính Hỵ Lạp; chỉ có sự quyến rũ của bút pháp.
Ít thấy sự trật tự của hành động hay sự kiện; chỉ có sự xao động khó nắm bắt của tâm tưởng.
Không thấy dấu vết cắm cúi cố kể cho xong một câu chuyện) chỉ thấy sự gấp gáp sợ lạc mất những đầu mối mong manh của hiện thực.
Không đem đến cho ta một cấu trúc quy củ ngăn nắp, các tác giả chỉ hé mở những then máy của một kiểu cấu trúc nào đó, thường là cấu trúc tối giản (minimalist structure).
Có sự tập trung đặc biệt vào một thành tố nào đó, chẳng hạn, biến đối thoại thông thường thành đối thoại thẩm mỹ (aesthetic dialog) bắng ngôn ngữ điện ảnh.
Và trên hết, thấy sau những con chữ một nỗ lực làm chủ ngôn ngữ, cái phương tiện mà mọi người đều có, theo cách riêng của mình. Ngôn ngữ khi ờ trong tay nhà văn không phải để tường trình sự việc cho thật ngắn gọn, chính xác, mau lẹ... Việc đó ai cũng làm được. Nó phải là ma thuật của công cuộc sáng tạo cái chưa từng hiện hữu và lạ hóa những cái đã và đang mòn cũ.
Nói một cách nào đó, khi không còn câu chuyện, chỉ còn tư tưởng và thông điệp, sẽ có nhiều không gian cho nhà văn làm văn chương...
Mai Sơn