Hai truyện vừa trong tập Sinh Ra Là Thế của Nguyễn Ngọc Thuần Thuần mở ra một thế giới hoang đường, huyền hoặc - ở đó con người như những dấu chấm bấp bênh trôi nổi giữa các sự kiện. Bị lạc lối trong mớ bòng bong hoặc là để cho mình trở thành một ngọn gió trên đường? Bỏ lại sau lưng sự huyên náo của đô thị, cũng như gạt bỏ huyên náo tâm hồn, các nhân vật trong truyện đạt đến sự hồn nhiên cần thiết. Phải chăng đó là cách lý giải về sự giải thoát của bản thân nhà văn về khả năng hòa nhập với cuộc sống đương đại chật chội này.
-------
Trích đoạn:
Ở đây có một ít người bị gì không biết lăn đùng ra nè. Gã nói vào cái điện thoại màu xanh, đặt cuối phòng lúc gã lau tới chỗ đó. Tụi nó mới ngã xuống đây thôi. Không ói mửa. Chỉ có nằm bẹp. Nói xong rồi lại cầm giẻ lau lau tiếp cho đến hồi căn nhà sạch bóng. Xách đồ nghề đi vào, xong rồi nhé, gã nói, và từ đó cho đến lúc kết thúc buổi tối, không ai nhìn thấy gã đi ra nữa. Mặt gã cau có lại như bị táo bón lâu ngày, như bị một nỗi đau nào đó xâm chiếm, dị dạng.
Gã chép miệng, ợ hơi buồn nôn. Hình như gã đã nhìn thấy cảnh này nhiều lần trong đời sống của gã rồi, tái diễn đến buồn ngủ. Gã mong một thế giới mới hơn, đỡ nhạt hơn.
Một thế giới không có vi trùng chẳng hạn. Gã lè cái lưỡi vàng chạch liếm môi, chống chọi cơn khát vô hình. Miệng gã đen đúa như một cái cống chứa đầy thất vọng. Rồi, rồi, gã nói, khạc ra. Không ai có thể hiểu gã nói gì.
Căn phòng hơi tối, ẩm mốc.
Trong góc phòng, gã đọc sách vẫn không nhìn lên. Trong quán còn một ít thằng có khả năng trụ lại, ngồi nhậu. Cách đó không xa, con nhỏ ca sĩ có cái mông to đùng và ban nhạc của quán - một già một trẻ - đi vào chuẩn bị sô diễn buổi tối. Một ngày bình thường đến bất bình thường của họ. Không có gì có thể rơi vào một nhịp điệu mãi, thế mà họ đã là như vậy từ lâu lắm rồi. Kẻ hát người đàn, trôi trùi trũi mỗi đêm. Trong không gian sặc mùi khói, tiếng hát đôi lúc như tắc lại trong cổ. Có cái gì đó đã trở nên bất bình thường xảy ra. Thậm chí kệch cỡm dị thường xảy ra.
Hôm nay là ngày đặc biệt, con ca sĩ nói vào micro, ngày kỷ niệm 5 năm đi hát của tôi.
Giọng con nhỏ mông to thấy vậy chứ hay dễ sợ, đến nỗi đám bợm nhậu quên cả uống ngẩng đầu lên nhìn cái mông của nó.
Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ… Nó hát giọng Đàm Vĩnh Hưng.
Bên dưới - cô gái với bộ ngực trần - sau một hồi chạy lòng vòng, có lẽ không biết phải làm gì, chạy lên sân khấu. Cô định giật lấy micro thì bất ngờ bị con ca sĩ tát cho một cái như trời giáng.
Con đĩ chó, con ca sĩ hét lên, mày làm cái gì vậy. Tới đây tao biểu. Con ca sĩ nắm cái đầu cô gái kéo sát vào người mình. Con bé chúi ngã về phía trước không kịp ghìm lại.
Mày nói tao nghe xem, mày bao nhiêu tuổi rồi? Giọng con ca sĩ mông to lanh lảnh.
Cô gái có lẽ bị đau quá, thốt lên, mười bảy.
Mười bảy. Trời ạ. Mười bảy tuổi mà mày làm cái gì ở đây? Hả, mày làm cái gì. Hả? Còn cái này là cái gì đây? Con ca sĩ vừa nhìn thấy cái áo bung hết nút của cô gái. Mày banh vú làm cái gì ở đây? Mày muốn làm đĩ hả? Hả? Con ca sĩ phanh cái áo cô gái ra thêm.
Cô gái ôm mặt òa khóc. Con bạn ngồi bên dưới vội chạy lên, kéo áo che bộ ngực cô ta lại, rồi cả hai thoát nhanh ra cửa.
Lần sau gặp tao là chết mẹ mày nha con ranh. Con ca sĩ nói đuổi theo. Mày tưởng mày là cái gì, hả, làm đĩ hả. Mày tưởng làm đĩ là vui thú hả?
Con ca sĩ mông to thở hắt vào micro. Ngưỡng cửa ra vào, hai con nhỏ “đồi trụy” biến mất phả ra cái khoảng trống rỗng. Sau đó con ca sĩ nghiêng đầu lấy hơi, rồi làm ra cái bộ điệu đê mê.
Nếu có bao dung thì hãy bao dung bây giờ...
Hát đi hát lại hai lượt. Nhưng trông con ca sĩ có vẻ không hài lòng, hình như nó không muốn cái loại cảm xúc như lúc này. Có cái gì, vẻ như đang chặn họng nó lại. Con ca sĩ mông to đau khổ ra mặt, vứt chiếc micro vào tay ông già đàn ghita ngồi bên cạnh rồi đùng đùng bỏ xuống.
Tội nghiệp ông già như bị trúng thương sau cú chưởng micro của nó, oằn mình đón lấy, mặt nhăn nhúm, gượng cười. Cám ơn con. Ông lúng búng nói trong miệng. Sau đó ngồi lại một mình trên sân khấu giữa những vỏ chai bia vương vãi. Không buồn giới thiệu mình là ai, ông dạo đàn và hát, giọng khô khốc, nhọc nhằn, như có dòng suối cạn nào đó ngắc ngứ trôi qua cổ họng khát khô của ông. Lâu lâu ông gõ xuống thùng đàn nghe rổn rảng, to hơn lệ thường. Hát xong một bài lại lẳng lặng dạo nhạc hát sang bài khác. Đôi vai qua lần vải mỏng, nhô cao như đang cầu cứu một cái gì không rõ, một cái gì rất vẩn vơ.
Trong góc phòng, người đàn ông vẫn tiếp tục đọc sách. Không có dấu hiệu gì anh ta đang nghe nhạc. Hoặc biết có người đang hát. Anh ta vẻ chừng đang ở một nơi nào đó rất xa, một thế giới khác vọng lại. Anh ta chỉ để lại đây như một cái bóng. Nhưng tâm hồn anh ta bay tận đẩu đâu.
Có cái gì đó không thể tìm thấy trong thế giới hiện thực này. Anh ta chép miệng. Rất lâu sau anh ta đọc thành tiếng.
Thỉnh thoảng người ta ngạc nhiên khi phát hiện những loài ký sinh trùng tụ tập thành từng nhóm nhỏ và tự chết. Người ta không thể hiểu vì đâu. Những ký sinh trùng không thể buồn được. Một vài nhà nghiên cứu lãng mạn cho rằng nỗi buồn vẫn có thể kết liễu chúng. Có điều nỗi buồn của chúng ở một dạng khác chúng ta.
Cuốn sách còn chỉ ra những nỗi buồn khác nằm sâu bên trong từng con vi trùng. Thế giới vi trùng nhỏ bé, nhưng không vì thế mà chúng trống rỗng.
Một tin đáng giật mình, cách đây không lâu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một đám mây chứa đầy những con vi trùng đó, tràn xuống thành phố và nhân lên rất nhanh.
Người đàn ông đột ngột ngừng lại. Anh ta đóng sách. Gương mặt có vẻ trầm tư. Một hồi sau ngẩng đầu lên, bỏ chạy ra đường.
Ngoài ấy giờ vắng teo, đường sá ọp ẹp bên dưới những ngọn đèn đường vàng yếu uốn vòng như cái đầu ốm rũ.
Ông già chơi nhạc vẫn tiếp tục hát, cái giọng như bị chia lìa thanh quản và lồng ngực, một hồi ngộp máu ùng ục hắt hơi.
Đó là bản gì vậy? Anh hỏi.
Rồi cũng quên thôi.
Ông già nói.
Rồi sẽ quên thôi
Cái tâm trạng bữa nay
Lúc này
Cũng chẳng buồn nhớ đến những thứ khác…