Cuộc thi Truyện ngắn Yume 2011 dành cho cộng đồng mạng vừa kết thúc bằng buổi lễ trao giải vào ngày 10-9 vừa qua. Giải nhất thuộc về Người đàn bà đa tình của tác giả Võ Diệu Thanh - cây bút từng đoạt giải nhì Văn học tuổi 20 lần IV.
Hai tác giả Đặng Thanh Trường và Ngô Tiến Mạnh với tác phẩm Thế giới vịt cồ và Gió lạc mùa giành giải nhì. Ngoài ra còn có 3 giải ba và 5 giải khuyến khích, cùng một giải thưởng dành cho tác phẩm được độc giả yêu thích nhất.
Dịp này, tập truyện Thành phố không mặt người (bao gồm tác phẩm đoạt giải cùng 18 truyện vào chung khảo) được NXB Văn học ấn hành. Có thể nói, tập truyện đã góp một diện mạo khá đầy đủ khi khai thác được những ngõ ngách cuộc sống ở nhiều không gian của các cây bút đến từ những vùng miền khác nhau.
Nếu như Người đàn bà đa tình chạm vào nỗi đau của người sống trong những đớn đau giằng xé về tình yêu ở một vùng thôn quê thì cũng với những day dứt trong nghiệt ngã của ái tình đó, Gió lạc mùa là đau xót oan khiên của người phụ nữ trên miền rẻo cao. Còn đề tài của Thế giới vịt cồ khá gần gũi, quen thuộc về cuộc sống ồn ã nhưng với những nhịp điệu tẻ nhạt của cuộc sống nơi phố thị đủ khiến những ai bị cuốn vào dòng xoáy đô thị giật mình. Chuyện người, chuyện đời được kể bằng giọng văn tự sự nhẹ nhàng nhưng lại như những cơn sóng ngầm, xoáy mãi vào vết hằn đắng đót hiện hữu trong đời sống.
Có những cách viết lạ, tưởng chừng luần quẩn trong những điều nhỏ nhặt của cuộc sống như Chiếc xì-líp màu đỏ, Đời tựa phiêu sinh, Ngách vắng xôn xao… nhưng lại là những điều rất đau, trong cái vô tình, thờ ơ đến tàn nhẫn của cuộc sống hiện đại. Và cội nguồn cho những bi kịch bắt đầu từ cái tâm của mỗi người. Nhoẻn miệng và cười, Trả thù, Giấc mơ trên đỉnh Mí roòng, Như tiếng dương cầm… là những truyện để lại nỗi ám ảnh khi không ai khác, mà chính mỗi người tự đưa mình vào ngõ cụt của cuộc sống.
Nhà văn Lý Lan nhận xét: “Tôi đọc những truyện ngắn này, như một người đói bụng ngồi vào bàn tiệc. Không phải miếng nào trên bàn ăn cũng là sơn hào hải vị mà chính sự đa dạng của các món ăn mới là bí quyết khiến thực khách no say”.
Người trẻ viết về nỗi đau đời bằng “ngòi bút trẻ”, dẫu rằng “những nỗi đau đời chưa đạt đến độ ung dung” như nhận xét của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhưng Thành phố không mặt người cũng đủ để thấy rằng vẫn còn rất nhiều ngòi bút “nặng nợ” với văn chương, vẫn kết nối nhau bằng con chữ. Nếu thêm một sự nỗ lực bền bỉ với thời gian thì chính những người trẻ sẽ góp phần lan tỏa sức sống cho văn chương – vốn đang ở thời đại của những vội vã và xao xác lãng quên.
Theo Người Lao Động