Trong cuốn sách này, yếu tố hiện thực huyền ảo được thể hiện mới mẻ, gây ngạc nhiên đi cùng với không khí nông thôn dưới con mắt quan sát khác biệt, tinh tế của tác giả đã hiện lên với vẻ đằm thắm và kỳ ảo, luôn bất ngờ, với hiện thực đan xen quá khứ, mà thói đời và hệ lụy cô đặc lại cho bạn đọc một hình dung hoàn toàn khác về vùng quê tưởng như quá quen thuộc với ký ức. Bên cạnh đó, bức tranh tươi tắn trẻ trung mà khắc nghiệt của thành thị như những nét chấm phá nguyên màu nổi bật trong bức tranh kỳ ảo ấy.
Theo dấu loa kèn giống như con thuyền đưa chúng ta trôi trên dòng sông lãng mạn, đầy mộng mị nhưng cũng lắm ghềnh thác khiến con thuyền chòng chành và nghiêng ngả.
Chúng ta có thể tìm thấy ở đây những cảnh đời ngang trái và nhiều nước mắt. Đó là một người đàn bà bỏ lại mẹ già và con thơ nơi quê hương mà lưu lạc xứ người tìm đường sống như trong “Lạc loài”; đó là tâm trạng dằn vặt và ai oán của một người phụ nữ không có khả năng sinh con nên luôn bị chồng đay nghiến như nhân vật Bận trong “Bản năng Mẹ”...
Tuy nhiên, không vì thế mà Theo dấu loa kèn mất đi sự tươi tắn, yêu đời, tinh nghịch mà chúng ta thường thấy trong văn phong của Kiều Bích Hậu. Ở đây, độc giả có thể thưởng thức những bức tranh tuyệt mỹ được vẽ bằng một kiểu ngôn ngữ liêu trai như trong truyện ngắn “Thung nắng”, “Nốt cuối của bản nhạc Jazz” hay “Mùa sen”.
Theo dấu loa kèn, một bức tranh nhiều màu sắc và đầy cảm xúc đối lập nhau giữa thực và ảo, yêu thương và thù hận, hạnh phúc và đau khổ… Tất cả như một món cocktail của tạo hóa đã được hòa trộn với những hương vị độc đáo, riêng biệt trong tác phẩm "Theo dấu loa kèn".