Hoàng Việt Hằng thành danh một nhà thơ qua những tác phẩm Tự tay nhóm lửa, Một mình khâu những lặng im, Vệt trăng và cánh cửa… Thế nhưng, ở cái thời thơ thưa vắng người đọc, nữ sĩ cũng phải mưu sinh bằng cách viết báo, đúng như Hoàng Việt Hằng thổ lộ: “Những ngày làm lữ thứ tha hương. Đi viết nuôi con, Như người mẹ đi nương. Rắc ngô và rắc lúa. Tôi cày trên đồng chữ…".
Văn xuôi của Hoàng Việt Hằng có gì lạ? Thứ nhất, chị có bề dày hoạt động văn học để tạm đủ tư liệu viết về chân dung văn nghệ sĩ. Thứ hai, lối cảm lối nghĩ của một nhà thơ mang lại vẻ đẹp riêng cho thể loại tùy bút hoặc tản mạn. Người đã cho không nhớ chia làm hai mảng như vậy, phô diễn sở trường của tác giả nhưng cũng không che được sở đoản của tác giả…
Đối với thể loại tản văn, Hoàng Việt Hằng có thế mạnh cảm xúc tinh tế. Tư duy thơ giúp văn Hoàng Việt Hằng bay bổng và dạt dào. Bài Chảy đi những dòng quê kết lại xao xuyến: "Những thứ hoa mía, hoa cải không cắm trong lọ trong bình, nhưng cắm mãi trong tim con người, dù đi đâu cũng tìm về sông quê". Đặc biệt, từ chính cuộc đời gian truân và lận đận của mình, Hoàng Việt Hằng có được không ít văn cảnh rung động về lòng nhân ái. Bài Đời người gió thổi mây bay, Hoàng Việt Hằng kể lại câu chuyện bà Thái - một người hàng xóm tốt bụng đã cưu mang và giúp đỡ những ngày khốn khó, mà ấn tượng xao xác nhất là câu an ủi nỗi đơn côi: "Về nhà lúc sấp bóng hãy nhìn lên tường. Nếu thấy bóng mình cũng là thấy mẹ, thấy em cháu về. Thôi thì phận mỏng, ít ra mình còn có người thân ở trên tường kia, trên ban thờ kia". Và nhờ đó, Hoàng Việt Hằng nhận ra: "Tôi đã nhìn bà thắp đèn dầu với đôi bàn tay bé nhỏ, thắp lên tình nghĩa xóm giềng thiêng liêng nhất đời tôi".
(theo evan)