Văn học muôn đời là những vấn đề con người và hướng con người đến một lẽ sống cao đẹp. Những con người trong thời đại ta đang sống có nhiều mặt khác trước thì việc miêu tả và khắc họa hình tượng con người đương nhiên là phải mang diện mạo mới. Cách đây không lâu, khi bước vào thời hậu công nghiệp, một câu hỏi lớn đặt ra ở nhiều nước: Nhà học giả nghiên cứu quy luật vận động của thế giới hiện tồn, nhà khoa học sáng tạo các công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của tăng trưởng kinh tế, vậy nhà văn quan niệm như thế nào về vị trí con người trong văn hóa phát triển?
Trước sự biến động dồn dập của đời sống với bao nhiêu vấn đề đã nảy sinh tưởng chừng không lời lý giải chính xác, câu trả lời cũng thường đan xen nhiều quan điểm không dễ gì thuận chiều. Trong tình hình ấy nổi lên một vấn đề có sức hấp dẫn lớn trong lòng các xã hội phương Tây, đó là sự trở về với tư tưởng phương Đông, với các vấn đề tiêu biểu trong bảng giá trị phương Đông, khi cuộc đời đầu Đông Tây bắt đầu hòa dịu. Đây là dịp để các nhà học giả và những người cầm bút có lương tri tự nhìn lại, suy ngẫm về cái thực chất của các giá trị tinh thần, không lệ thuộc vào hệ tư tưởng hay bắt cứ sức mạnh nào chi phối.
Việt Nam nằm trong sự cấu thành của phương Đông, nền văn học truyền thống từ cha ông đã để lại những dấu ấn phương Đông hòa quyện trong tâm hồn dân tộc sâu sắc, không thể không quan tâm trước giá trị phương Đông trong thời hiện đại.