...Các tác giả của những truyện ngắn trên Nam phong tạp chí đã cố gắng kể lại cho hệt những điều tai nghe, mắt thấy hoặc nếm trải trong cuộc sống - xã hội đời thường, một cuộc sống - xã hội khiến cho nhiều người đương thời phải than thở:
“Ngồi buồn nghĩ chuyện vẩn vơ,
Quái, con ngựa sắt bây giờ đi đâu?
Anh hùng vắng mặt từ lâu,
Trên đầu phành phạch chiếc tàu nó bay";
một cuộc sống - xã hội đầy rẫy những thối nát, bất công, thù địch với con người... Thi thoảng thấy đôi đốm sáng về người tốt, việc tốt trong những truyện ngắn ấy, thì ở thuật giả cũng pha tạp cảm hứng ngợi ca với cảm hứng phê phán. Nghĩa là truyện ngắn trên Nam phong tạp chí né tránh những vấn đề quốc sự (đọc hơn 60 truyện ngắn trên tạp chí này, chỉ gặp được một dòng có quan hệ đến quốc sự ở cuối truyện Câu chuyện ra ở đời của Tam Phủ: "[...] thuật giả nghe nói một người bị bắt, vì việc cộng sản, dây dưa thế nào, thuật giả lấy làm lạ; còn người kia được tin thời nghe nói ngồi khóc, [...]”).
Một điều đáng chú ý ở những truyện ngắn trên Nam phong tạp chí là: những truyện ngắn này đã lọc qua chủ trương “điều hòa tân cựu”, “thổ nạp Á-Âu”. Có thể thấy rõ điều này nơi những tác giả các truyện ngắn: Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến và Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục là những người cựu học; những người cựu học chuyển sang tân học: Nguyễn Bá Học và Hoàng Ngọc Phách; những người tân học: Phạm Duy Tốn và Lê Đức Nhượng, ở truyện của Đông Châu và Tùng Vân không có chút gì gọi là truyện ngắn. Ở truyện ngắn Nguyễn Bá Học là sự mô tả khách quan, nhưng không vượt thoát được quan niệm văn học cũ; vừa làm quen với lối kể chuyện, mô tả, đối thoại của truyện ngắn hiện đại, vừa sử dụng văn biền ngẫu và chưa ra khỏi cách xây dựng hình tượng của văn học trung đại. Lê Đức Nhượng, không chỉ viết được nhiều truyện ngắn hơn, mà còn viết khéo hơn so với Nguyễn Bá Học. Về Phạm Duy Tốn, có nhà nghiên cứu đánh giá rằng “[...] lấy một truyện của Phạm Duy Tốn đem đặt cạnh một truyện cổ điển, ta thấy có một sự ly dị, một sự gián cách đột ngột, bất ngờ cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật” (Thanh Lãng). Quả là truyện ngắn của Phạm Duy Tốn là một bước tiến về phía trước so với truyện ngắn của Nguyễn Bá Học, nhưng vẫn chưa thể nói đó là “một sự ly dị, một sự gián cách đột ngột, bất ngờ cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật” so với “truyện cổ điển” được. Truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, kể cả truyện ngắn nổi tiếng của ông Sống chết mặc bay, vẫn chưa đạt tới truyện ngắn hiện đại.
Nói đến sự vận động và phát triển của thể loại truyện ngắn của văn học hiện đại nước nhà, không thể quên vị trí đi đầu của truyện ngắn Nam Bộ, trong đó có truyện Thày Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản - tác phẩm được nhiều nhà nghiên cứu văn học coi là tác phẩm hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam - đã được xuất bản tại Sài Gòn năm 1887.
Truyện ngắn trên Nam phong tạp chí xuất hiện chậm hơn truyện ngắn Nam Bộ hai thập niên; nhưng cả truyện ngắn trên Nam phong, cả truyện ngắn Nam Bộ đều ở bước đi đầu tiên của truyện ngắn hiện đại Việt Nam và đều nằm trong quỹ đạo của sự lựa chọn khả năng thứ hai cho sự phát triển của truyện ngắn nước nhà...