Phong Điệp, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Di Li, Đỗ Bích Thúy đã là những cái tên vô cùng quen thuộc trên văn đàn văn học Việt Nam hiện đại.
Được coi là “của hiếm” trong làng văn, có thể gọi Phong Điệp là “nữ văn sĩ” khi những tác phẩm của chị vẫn in đều và được công bố rộng rãi tới các độc giả không chỉ qua trang sách mà còn thông qua trang web riêng của chị. “Kẻ dự phần” là tác phẩm điển hình cho phong cách văn chương Phong Điệp. Nó bắt đầu từ nỗi ám ảnh từ tiếng lợn gào thét văng vẳng vào mỗi sáng. Nhịp văn mạnh, gấp gáp nhưng nó thể hiện sự nhập thế hơn, suy tư hơn và cũng đàn bà hơn.
Giống như Phong Điệp, xuất phát từ nghề báo, Võ Thị Hảo đến với văn chương cũng từ niềm đam mê và lòng yêu văn chương tha thiết. Chị được xếp vào hàng những cây bút sắc sảo, giàu nữ tính. Những thân phận đàn bà, những con người nhỏ bé trước bão lũ cuộc đời, “những gì rất riêng tư mà chẳng riêng tư chút nào”… là điều mà chị luôn trăn trở trên các trang viết của mình. Trong những: “Dây neo trần gian”, “Làn môi đồng trinh”, “Máu của lá”, “Phiên chợ người cùi” và “Người sót lại của Rừng Cười”, có cái gì đó thật xót xa, đớn đau cho thân phận con người. Dù họ ở trong hoàn cảnh nào thì tình thương, lòng san sẻ, đồng cảm vẫn là mong đợi, là khát vọng lớn lao làm nên chất người trong vòng xoáy khôn cùng của cuộc sống.
Với đôi mắt đẹp và khuôn mặt dịu hiền, đằm thắm nên được gọi là “người đàn bà đẹp viết văn” nhưng Nguyễn Thị Thu Huệ là nữ văn sĩ có cá tính mạnh mẽ. Đọc truyện ngắn của chị, người đọc luôn hình dung ra một Thu Huệ đáo để và chao chát. Tuy nhiên, đằng sau cái giọng tưng tửng ấy lộ rõ nỗi niềm của con người thời đại khát khao yêu đương, cô đơn, trống rỗng, hy vọng và thất vọng, đắng cay và ngọt bùi. Những chuyện ấy, nỗi niềm ấy có thể ngổn ngang, nhàm chán quanh ta, nhưng khi vào trang viết của Thu Huệ lại rõ ràng từng đường nét, ám ảnh và mang nhiều nghĩa lý cuộc đời.
Không giống như những nữ văn sĩ khác, vừa xuất hiện trên văn đàn, Di Li đã “hù doạ” độc giả bằng một tiểu thuyết trinh thám kinh dị (Trang trại). Đây là một thể loại không mới nhưng “hiếm” có ở Việt Nam. Hơn nữa, “đàn bà đẹp viết truyện kinh dị” thì lại càng khan hiếm. Vậy mà Di Li lại bước vào dòng văn không mấy bằng phẳng, êm đềm đó. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngòi bút của chị cũng hướng đến sự hài hước, cường điệu. Và hết thảy, dù là kinh dị hay hài hước thì mỗi truyện ngắn của chị (như Bộ tóc giả, Bức tranh và ngôi nhà cổ, Coktail, Điệu Valse địa ngục, Giếng…) cũng mang một giá trị nhân văn sâu sắc.
Là một người đàn bà mộc mạc và mặn mà - một vẻ đẹp vốn không có nhiều trong làng văn chương nữ, Đỗ Bích Thuỷ sinh ra và lớn lên ở miền núi nên chủ yếu đề tài trong tác phẩm của nữ nhà văn Đỗ Bích Thuý cũng xoay quanh cuộc sống người dân miền núi. Nổi tiếng với những truyện ngắn “Những buổi chiều ngang qua cuộc đời”, tiểu thuyết “Dưới bóng những cây sồi”, kịch bản “Cô gái xinh đẹp”, trong đó có truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” đã được chuyển thể thành kịch bản phim “Chuyện của Pao”. Những con chữ của Đỗ Bích Thúy cứ nối nhau theo dòng chảy ký ức, mãnh liệt, bản năng, và dù không cố tình, chúng đã gây ám ảnh thực sự cho người khác.
Tập hợp trong cùng một quyển sách, năm nhà văn nữ - năm bông hoa trong vườn hoa văn học Việt Nam phong cách, màu sắc, hương vị khác nhau nhưng tất cả đều đem đến cho người đọc những ấn tượng thật khó quên.