Mục lục
- Hàng xóm (Chu Thùy Anh)
- Bình minh nửa đêm (Huỳnh Mẫn Chi)
- Mưa rơi đầu non (Nguyễn Thị Việt Hà)
- Đường làm người (Chu Thị Minh Huệ)
- Mồng chín tháng tám (Lê Thanh Kỳ)
- Giữ lửa (Lê Minh Phong)
- Hoa gạo đỏ kinh thành (Đinh Phương)
- Hương Mỹ nhân (Nguyễn Văn Thọ)
- Trái tim bên lề (Bùi Anh Tấn)
- Vườn mê (Nguyễn Anh Thế)
- Mặt biển (Trần Đức Tĩnh)
- Như một con chim nhỏ (Đỗ Bích Thúy)
- Bị bỏ quên (Đinh Lê Vũ)
Truyện ngắn Hàng xóm (Chu Thùy Anh)
Hàng xóm này cụ thể là hàng xóm ở đối diện. Tầng có tất cả chín nhà, quây xung quanh cái cầu thang máy. Thực ra thì không có nhà nào thực là đối diện nhà nào cả, nhưng nhìn chênh chếch vẫn có thể thấy được cửa nhà nhau. Nhà này, là hàng xóm nhìn chênh chếch có thể thấy được cửa nhà ông. Cũng tức là, nhà ông, nhìn chênh chếch thấy được cửa nhà ấy.
Thường thì các nhà cửa đóng then cài cẩn mật. Không hẳn vì sợ trộm cắp, trộm làm sao đi qua được phòng bảo vệ ở tầng một, ấn thang máy qua mười ba tầng lên đến tận đây, rồi làm sao phá được khóa cửa sắt để vào nhà, thật cũng lắm gian nan. Nhưng là thói quen thế, nhà nào cũng khóa cả cửa sắt bên ngoài và cửa gỗ bên trong. Giữa cửa sắt và cửa gỗ có năm mươi phân cách biệt, không hiểu người ta thiết kế như thế để làm gì, năm mươi phân thì để vừa được gì và ai cần để cái gì giữa cửa sắt và cửa gỗ. Thực ra chẳng có nhà nào để gì cả, trừ nhà hàng xóm ấy. Mỗi lần ông nhìn chênh chếch sang, đều thấy mấy đôi dép xếp thẳng hàng. Bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con vào ngày nghỉ. Hai đôi người lớn vào giờ hành chính ngày trong tuần. Lại đủ bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con sau sáu giờ chiều từ thứ hai đến thứ sáu. Chỉ có nhà ấy là xếp dép vào khoảng năm mươi phân giữa hai lớp cửa. Có khi là dép, có khi là giày. Nhìn cỡ thì biết có một bé trai và một bé gái, đâu đó tầm mươi mười ba tuổi. Nhưng ông cũng chỉ biết đến thế. Ông sống ở đây một năm trời rồi mà chưa nhìn thấy nhà hàng xóm ấy bao giờ. Những hàng xóm khác có thi thoảng gặp, cười cười “bác ạ” rồi ai khép cửa nhà nấy. Riêng nhà có sáu đôi dép thì chưa bao giờ thấy mở cửa, chỉ có những đôi dép lần lượt đảo chỗ cho nhau.
Thực ra ông chẳng cố tình nhìn vào nhà ấy làm gì. Mỗi người đã có cửa của mình, ai bước vào cửa nấy. Chẳng qua chỉ một lần vô tình lúc mở cửa, hôm ấy chắc giở giời, người ngợm thế nào cứ uể oải, làm gì cũng chậm chạp hơn, ông bỗng thấy đôi dép xỏ ngón màu hồng có nơ be bé, ở bên kia cửa sắt nhà chênh chếch đối diện. Giống như là đương lướt mắt qua cả vệt hành lang, cái nhìn bỗng mắc lại ở chỗ nơ hồng ấy. Đôi dép xinh xinh chắc của bé gái độ tám, mười tuổi. Chắc bằng tuổi cháu ông. Cháu tuần về chơi với ông một lần. Tuần nào bố mẹ nó bận thì có thể may mắn hơn, cháu sẽ được gửi qua đêm với ông; hoặc, có thể ít may mắn hơn, vì bận mà chẳng buồn đưa cháu về nữa.
Nhưng đúng lịch thì một tuần sẽ có một lần hai ông cháu gặp nhau. Bố mẹ nó về đây ăn uống thăm hỏi một ngày, rồi sáu ngày tiếp theo ông lại tự ăn uống thăm hỏi một mình, chờ đến chủ nhật. Cái gì là quen rồi thì cũng thấy bình thường thôi. Hằng ngày ông dậy vào giờ của ông, ăn uống kiểu của ông. Cách một ngày có một người đến dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn cho ông. Ông vẫn còn khỏe, vẫn tự cho mọi thứ vào lò vi sóng, hoặc bắc bếp làm nóng được. Ông có hội cờ tướng của ông, có hội tập thể dục hàng sáng và hàng chiều của ông. Nói thực lòng là thi thoảng cũng mong ngóng chủ nhật lắm. Nhưng để sống cho qua được sáu ngày để đến chủ nhật tiếp theo cũng không phải là khó khăn, vì ông đã quen rồi. Hơn nữa người già ở thế này cũng tiện, mọi thứ trên một mặt bằng, không lên xuống cầu thang, đỡ lo ngã. Ông cũng được sinh hoạt cái kiểu của ông.
Chỉ có hôm ấy, chắc vì giời đổi tiết, thành ra mắt ông mắc lại ở cái nơ hồng be bé ấy. Ông nhìn đôi dép một hồi lâu, nhìn sáu đôi dép một hồi lâu, rồi từ tốn khép cửa, khóa lại cẩn thận trước khi bước vào thang máy. Ông xuống nhà đi dạo ba vòng hít thật đầy khí trời buổi tối, mát lành dễ chịu. Thế mà đêm ấy vẫn trằn trọc mãi không sao ngủ được.
Từ hôm ấy ông bỗng chú ý đến nhà hàng xóm có sáu đôi dép hơn.
Ông từng chờ rất nhiều lần xem hàng xóm của mình là ai. ở chung cư này đa phần là các gia đình trẻ, có vài nhà như ông, sống một mình. Rất hiếm những gia đình nhiều thế hệ. Nên cái cửa ấy càng làm ông tò mò hơn. Thế nhưng hình như hàng xóm cứ chờ ông bận bịu đâu đó không ngó ra cửa được thì mới đi ra đi vào. Bẵng đi một cái, ông lại thấy dép xếp lại rồi, lần nào ông cũng tiếc rẻ vì những việc linh tinh mà không gặp hàng xóm của mình được. Ông có cả một ngày để làm những việc linh tinh, thế mà thế nào lại toàn làm lỡ dịp gặp hàng xóm, lại là hàng xóm đặc biệt, kể cũng thấy tiếc.
Cho đến một ngày, khi ông đã thôi ý định ngồi ngóng ra cửa chỉ để chờ gặp hàng xóm, thì bỗng dưng lại gặp bà. Bà bé nhỏ, chắc quãng tuổi ông, hoặc nhiều ít hơn đôi chút. Ông gặp bà trong thang máy, lên cùng một tầng. Đôi mắt bà đỏ hoe, đầu mũi cũng đỏ. Bà im lặng không nhìn ai, chờ mọi người ra hết rồi mới bước ra khỏi thang, đi về cửa căn hộ ấy. Bà bước vào nhà, bên cạnh một đôi dép đàn ông đã xếp sẵn ở cửa, giờ xếp thêm đôi dép phụ nữ. Ông cứ đứng nhìn từ cửa nhà mình, vì bất ngờ quá. Ông đã chờ đợi bao nhiêu lần để gặp được hàng xóm của mình, đã mường tượng ra cảnh cả gia đình họ ríu rít dắt nhau vào thang máy thế nào. Đâu ngờ một ngày gặp được hàng xóm, lại là một người đàn bà bé nhỏ vừa rấm rứt khóc xong.
Vì ông có cả một ngày để làm những gì mình muốn, có đến sáu ngày như thế trong tuần, nên ông không thể thôi suy nghĩ về chuyện làm thế nào gặp lại hàng xóm của mình. Vào cái tuổi ấy mà khóc hẳn phải vì lý do gì ghê gớm lắm. Dỗi chồng dỗi con hay là bị ngược đãi. Ngoài cửa trông vào tưởng là êm ấm thế, bên ngoài nghe ngóng cũng chẳng thấy cãi cọ bao giờ. Nào có ai ngờ. Ông không biết có nên báo tổ dân phố không. Thực ra ở chung cư thì tổ trưởng tổ dân phố cũng chỉ để một năm đi dạo vài vòng quanh các nhà. Hơn nữa ông chưa biết cụ thể việc gì diễn ra, bỗng dưng đi báo cũng buồn cười. Chẳng nhẽ bảo trong thang máy tôi gặp bà ấy sống ở số nhà ấy mắt đỏ hoe như thế ấy, bác tổ trưởng đi kiểm tra tình hình gia đình văn hóa giúp tôi? Mà thực ra từ khi về sống ở đây đến giờ ông đã bao giờ gặp tổ trưởng tổ dân phố đâu. Lần nào có ai ấn chuông ông cũng coi như không có người ở nhà, không mở. Các loại hóa đơn nhờ trả hết ở phòng quản trị tầng một. Không ai bước chân vào nhà ông được. Ông không muốn ai nhìn thấy một tủ giày chỉ có vài đôi, cùng một cỡ, của ông.
Thế nhưng ông muốn sang ấn chuông nhà hàng xóm ghê gớm. Sự tò mò về sáu đôi dép lớn một, thì tò mò về đôi mắt ướt nhẹp đỏ hoe của bà hàng xóm phải lớn gấp mười. Ông cứ nghĩ mãi, ở cái tuổi này còn gì có thể làm cho người ta khóc? Trừ sự tủi thân. Hoặc mất mát. Nhưng sau hôm ấy sáu đôi dép vẫn xếp ngay ngắn vào đúng khoảng thời gian như mọi khi. Không có gì xáo trộn. Nhìn từ ngoài cửa, nghe từ hành lang, thì căn hộ ấy vẫn sống cùng một nhịp cứ như bà lão chưa bao giờ khóc cả.
*****
Đến một ngày, nghĩ mãi vẫn chẳng có cớ gì, nhưng ông vẫn sang ấn chuông nhà hàng xóm. Là cứ ấn thế chứ không mong có ai mở cửa cho mình, mà có mở ông cũng chẳng biết phải nói câu gì. Thế mà rồi cửa lại mở. Bà lão he hé cửa chào ông. Ông, bất ngờ quá, không biết nói gì, tự dưng lại xin bà một phích nước.
- Phiền bác quá, ấm đun nước nhà tôi bỗng dưng lại hỏng, các cháu thì đi làm hết rồi, thèm ấm trà mà không pha được...
Thế mà bà lão mở hẳn cửa ra. Mời ông vào.
Ông được mời trà ngay ở căn hộ bên ấy, không cần xin phích nước về nhà mình nữa.
Căn hộ này áng chừng cũng rộng như căn hộ của ông, cũng ngần ấy cánh cửa khép. Nhà có trẻ con mà gọn gàng ngăn nắp. Trên bàn để mấy khung ảnh, có một cái ảnh bà lão với con chó con, chụp chừng đã lâu lắm rồi; còn lại là rất nhiều ảnh chó, hình như cùng một con, qua những năm tháng khác nhau. Bên bậu cửa sổ có mấy cây hoa lốm đốm những chấm xanh lơ.
Bà mời ông dùng trà, hỏi han những câu rất cơ bản như khi người ta đi hết một hàng cau, qua cái cổng duối, bước vào sân là có thể hỏi nhau. Bà hỏi ra bác cũng ở đây, bác ở đây lâu chưa, các cháu công tác thế nào...
Câu chuyện bắt đầu như thế. Mắt bà hôm nay không đỏ. Thế nên ông không biết phải bắt đầu cái phần chính yếu của sự tò mò như thế nào. Uống hết cả ấm trà (thực ra lâu lắm rồi ông không uống, thế này khéo đủ để mất ngủ nguyên một tuần), câu chuyện vẫn do ông kể. Rằng tôi sống bên nhà ấy số ấy, các cháu công tác ổn, các cháu có một cháu gái rồi, à mà cháu gái tôi chắc bằng cháu gái bà, tự dưng ông buột miệng thế. Xong im lặng. Nào ông đã gặp cháu gái bà bao giờ. Bà cũng im. Lặng. Ông không biết nói sao đành thú thật mình đã nhìn rất lâu, rất nhiều lần vào sáu đôi dép, trong đó có một đôi xỏ ngón nơ hồng, mà ông đồ rằng chắc của cháu gái bà.
Bà vẫn không nói gì.
Ông thấy cứ lặng như thế này, ở tầng mười bốn thậm chí không có cả muỗi bay để nghe tiếng vo ve, thật là nghẹt thở quá. Rốt cục ông đứng dậy, nói cố một câu trước khi về:
Thực ra tôi ở đây có một mình thôi. Các cháu cuối tuần mới về
...
Bà một lúc mới cất lời, chẳng ngước lên nhìn ông:
- Thực ra tôi cũng ở đây có một mình thôi. Tôi thậm chí chẳng có các cháu để cuối tuần về. Sáu đôi dép tôi tự mua tự xếp đấy. Để tự thấy rằng mình ấm áp.
Ông đứng lên rồi lại ngồi xuống. Nhìn bà. Kinh ngạc.
Bà dừng một hồi rồi tiếp:
- Trước đây tôi còn có con chó, sống cùng tôi từ mười bốn năm nay, từ trước cả khi chuyển về đây ở. Về đây biết là người ta cấm nuôi động vật, nhưng tôi vẫn nuôi giấu. Tôi nuôi nó từ thuở lọt lòng, nó coi tôi như mẹ, tôi coi nó như con, không có nó tôi chẳng có ai. Nhưng đến nó cũng ra đi rồi. Tôi đành đem chôn. Có mỗi tôi khóc cho nó. Tôi cũng chỉ có mỗi nó để khóc mà thôi…
Bà nói một hơi dài mắt từ từ ậng nước. Ông chuyển từ kinh ngạc sang bối rối. Ông đã sang ấn chuông vì muốn nhìn sâu hơn một chút vào cửa căn hộ này. Trước cửa có xếp sáu đôi dép, bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con.
Ông xoay xoay cốc trà đã cạn, không biết làm gì với bà lão mắt đã lại đỏ hoe, vết đỏ lan ra đến tận đầu mũi. Xoay cốc đủ hai mươi chín vòng thì ông nói, rồi dứt khoát đứng lên đi về trước khi vệt đỏ ấy lan sang cả mắt rồi tràn xuống đầu mũi ông mất.
- Xin phép bác, chủ nhật cho ông cháu tôi sang đây xin phích nước nóng.