Truyện ngắn của Cao Tiến Lê không dụng công nghệ thuật cầu kỳ, cũng không thuyết giáo bằng những tư tưởng cao siêu. Ông khẽ kể chuyện một cách dí dỏm bên cạnh những câu văn chứa đầy tính thơ. Cuốn sách bắt đầu từ những trải nghiệm cá nhân của nhà văn để mở rộng biên độ tới nhiều cảm xúc trong cuộc sống. Trong đó, nhà văn đề cập nhiều đến triết lý thân thuộc: “Người với người sống để yêu nhau”.
Cuốn sách với 16 truyện ngắn là những khoảnh khắc nghiệm sinh thú vị được viết với văn phong trong sáng, giản dị, nhẹ nhàng.
(theo Evan)
“Chúng tôi trở về mỏm 834, sở chỉ huy tiền phương và cũng là nơi đóng quân của Ban chỉ huy hỗ hợp, gồm lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ và bộ đội biên phòng.
Đồng chí chỉ huy trưởng sau khi vạch các điểm chạm pháo binh lên bản đồ tác chiến, quay sang nói với tham mưu trưởng và chủ nhiệm trinh sát:
- Nhìn hệ thống đạn rơi, tôi đoán nó có đặt con mắt trinh sát trên đất ta. Nó vừa bắn vừa hiệu chỉnh đường đạn đấy!
Tham mưu trưởng:
- Tôi đã phái trinh sát và đặc công luồn sâu vào hẻm núi, khe suối.
Có tiếng ồn ào dưới chân đồi. Chúng tôi nhìn xuống thấy cụ Triệu Tắc Nàn đi trước. Cụ lên dốc mà cứ nhanh như đi đường bằng. Theo sau cụ là hai thanh niên chân đất, súng khoác chéo ngang lưng, đang khiêng một khiêng gì có vẻ rất nặng. Chúng tôi không thấy rõ là vì họ choàng tấm ni lông xanh lên vật đang khiêng.
- Chắc là cụ Nàn vừa bẫy được con hươu con nai gì đó nên mang lên tặng bộ đội.
Nghe nói vậy, có người góp thêm:
- Đúng. Đúng. Trông thõng xuống như con vật bị trói bốn chân vào đòn khiêng.
Có ý kiến khác:
- Nếu là hươu nai thì sao cụ vội vàng thế. Pháo đang bắn lung tung nhỡ trúng mảnh thì sao. Cụ Nàn khôn nổi tiếng cơ mà?
- Chờ xem. Chờ xem.
Chúng tôi theo hào giao thông ra ngoài đón cụ giữa lúc tiếng pháo vẫn chan chát. Đồi bên cạnh cây đổ, bụi đất bay cao trông như tạo thêm một quả đồi khác.
Cụ Nàn không để ý đến tiếng pháo địch bắn. Cụ bảo hai thanh niên đặt vật đang khiêng vào lùm cây găng, tua tủa gai nhọn. Cụ nói, cái kiểu nói chung cho mọi người nghe:
- Tao bắt được một thằng giặc. Tao theo nó từ khi nó lách vào bờ suối, khôn như con kỳ đà. Nó leo lên cây sau sau, mang theo cả lương khô và cái máy kêu vo vo. Tao đưa nó lên gặp các mày ngay, để các mày bắt nó mở miệng nói cái điều bí mất lố!
Cụ bước tới lật tấm ni lông xanh, phô ra khuôn mặt thằng người hốt hoảng. Tay tên giặc chập lại trói vào đòn khiêng trông như con vật bốn chân.
Đồng chí chỉ huy trưởng chạy tới đưa hai tay ôm choàng lấy cụ như ôm một người thân thiết.
- Cảm ơn cụ. Cụ giỏi quá. Đúng! Nó là thằng trinh sát pháo binh mang máy thông tin bí mật bò vào đất ta, xem hiệu quả của đạn bắn rồi gọi về báo cho thằng chỉ huy hiệu chỉnh. Chúng cháu biết có bọn này sang đất ta, đã cử trinh sát, đặc công đi, nhưng chưa tìm được. Cảm ơn cụ. Cảm ơn nhân dân.
- Có gì mà cảm ơn. Việc này là việc của tao. – Cụ Nàn nói vậy, và khi thấy tôi, cụ tiếp:
- Tao đã bảo rồi, con gì hung dữ mấy cũng không lọt được vào bản làng của tao.
Tôi vui vẻ đỡ chuyện:
- Nhưng thưa cụ loại thú dữ này không thể biến thành cao, thành rượu được.
- Thành tất. Thành bằng cách khác. Bắt nó chuộc chẳng hạn.
Cụ cười hề hề để lộ hàm răng chưa rụng chiếc nào, rồi cụ tiếp:
- Nhưng là cái cớ để cho tao và mày uống rượu. Mày uống không?
Cụ rút chai rượu trong tay nải đeo bên người ra đưa cho tôi.
- Cứ ngửa cổ mà uống, không cần chén. Uống không nhắm mắt. Uống đi. Rượu cao đó. Uống đi!
Tôi trả cụ chai rượu:
- Cháu muốn nghe cụ kể chuyện về cách bắt con thú hung dữ này.
Cụ xua tay:
- Không được. Bí mật lố. Bắt hết những thằng sang biên giới nước ta xong tao mới kể.
Chúng tôi nhìn cụ như nhìn một niềm tin, một sức mạnh.”
(Trích truyện ngắn: “Chén rượu phía Bắc”, rút từ tập truyện ngắn “Xin đừng quên tôi”, tác giả Cao Tiến Lê)