Yêu nhau đứng ở đằng xa gồm những bài viết, ghi lại những cảm nhận và suy ngẫm của tác giả về cách sử dụng ngôn ngữ trong đời sống.
Những điều như thế có vô vàn, ở khắp mọi nơi. Đó là lập luận thanh minh khôn khéo qua lời thề thốt của con cò trong ca dao, một lần đi ăn đêm rủi ro bị “lộn cổ xuống ao”. Là sự ngầm ẩn nỗi ngậm ngùi luyến nhớ quá khứ và cả thất vọng trước cái ngắn ngủi của một thời đã qua, trong những lời thơ của Xuân Quỳnh. Là cách xưng tôi ngang tàng của Dế Mèn nhằm nâng độc giả lên ngang tầm hiệp sĩ, trong truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Là cách dùng từ cỏn oái oăm trong lời thơ của nữ thi sĩ nửa thế tục nửa huyền thoại Hồ Xuân Hương. Là cách lặp và nối tiếp nhau đều đặn tuần hoàn, sự trang nhã và những biểu tượng ngôn từ trong bài ca nổi tiếng Mùa Xuân đầu tiên của Văn Cao. Là những lối chuyển sang nghĩa khác của các từ nụ, hoa và quả, hay cái và con. Là cách gọi khác nhau đối với “con mèo” trong tiếng Việt. Hoặc đó là tên các mường Thái trên miền Tây Bắc, ánh mắt thoáng qua và điệu “khắp loong tông” gặp một lần là không thể quên, hay những tiếng rì rầm vong ra từ quả trứng khổng lồ trong sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường, hay phong vị cổ tích và chia xa trong ngôn từ bài hát Ngày xưa ơi, tiếng la làng thất thanh của Chí Phèo lúc gặp thị Nở trong vườn chuối, vào một đêm trăng tròn vành vạnh, có ánh trăng rắc bụi trên sông và dòng sông biết bao nhiêu vàng. Hoặc đó là câu chuyện trên đường đi chợ, các bà các cô lan man mơ ước mãi, rồi vô tình để cái chày rơi xuống làm vỡ đầu con cua. Hoặc đó cũng là cách bày tỏ tình cảm của những đôi lứa đang yêu, bằng loại ngôn ngữ phi lời rất độc đáo, là “liếc mắt đưa tình”…
Được nhắc đến trong sách chỉ là một số trong những chuyện thường gặp về ngôn ngữ quanh ta, chỉ ghi nhận từ một góc nhìn. Hơn nữa cảm nhận và suy ngẫm như thế có thể ai cũng có, và tác giả chỉ hết sức cố gắng để viết được ra bằng những lời lẽ giản dị, theo cách của riêng mình.
Nhưng cũng có một điều tác giả cũng cảm nhận thấy và suy ngẫm mãi mà chưa viết được hết ra thành lời, mặc dù nó lại cốt yếu nhất và tâm nguyện muốn viết ra nhất. Đó là đằng sau những ngôn từ vẫn gặp hàng ngày như thế, có thể thấy thấp thoáng những tâm trạng, những vui và buồn, những tin tưởng và thất vọng, những hân hoan và cay đắng, sự cởi mở và che giấu, cả những điều phải nhớ mãi mặc dù chỉ mong quên…Tóm lại, ngôn từ ấy giúp ta phần nào hiểu được và cảm thông với những hạnh phúc và nỗi đau nhân thế.