Bạn đọc gần xa hẳn đã rất quen thuộc với tác giả của những tập sách nổi tiếng: "Văn hóa và con người", "Cải cách và phát triển", "Suy tưởng", "Cội nguồn cảm hứng", ông Nguyễn Trần Bạt. Những cuốn sách ấy vẫn đang được độc giả tiếp tục tìm đọc và bàn luận. Phần lớn các phản hồi từ phía độc giả là tích cực, trước hết ở tính hiệu quả mà họ thu lượm được từ những gì họ đọc.
Cuốn sách "Đối thoại với tương lai" là tập hợp những cuộc trao đổi thẳng thắn của tác giả với hàng chục tờ báo lớn trong và ngoài nước. Cuốn sách thực sự là một cuộc thám hiểm táo bạo và quyết đoán vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Không phải ai cũng đủ tự tin, đủ sự chân thành để làm việc đó. Tác giả không chỉ đối thoại với nhiều người cùng một lúc, nhiều cấp độ đối thoại khác nhau, mà còn trực tiếp đối mặt để làm chứng cho tính chính đáng của những điều ông khẳng định. Thứ hai có thể xem đây là công trình nghiên cứu đa ngành khá đồ sộ, xét cả trên quy mô vật chất và tinh thần. Thứ ba, cuốn sách giống như một tập cẩm nang với không ít bài học nhập môn, bài tập nâng cao dành cho nhiều đối tượng, nhất là những bạn trẻ.
Trong "Đối thoại với tương lai" không có lời đáp nào lại không khêu gợi những câu hỏi khác, mời gọi các bạn tham gia vào cuộc đối thoại mà vấn đề có thể được đẩy xa hơn, không có câu trả lời nào không ngầm chứa một phần câu hỏi quan trọng dành cho bạn đọc.
Nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét: "Một cuốn sách đem lại cho người đọc kiến thức sâu sắc và kinh nghiệm sống phong phú luôn là một cuốn sách bổ ích. Nhưng một cuốn sách có khả năng truyền cảm hứng sống mạnh mẽ cho mọi người, đặc biệt là cảm hứng kiến tạo tương lai, làm nẩy sih ở họ những ý tưởng mới, những khao khát trí tuệ, mới thực sự là cuốn sách cần thiết. (Đối thoại với tương lai), theo tôi, đó là cuốn sách quan trọng ấy. Tôi muốn nói lời cảm ơn tác giả mà tôi cứ muốn gọi ông là Túi khôn, đã cho tôi cơ hội được cảm thấy cái nghề biên tập của mình hóa ra không đến nỗi nhàm chán"