Tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau, xuất bản năm 1962, kể lại những câu chuyện về vùng đất đặc thù ở bán đảo Cà Mau. Đây là tập truyện ngắn được xếp ở vị trí cao trong số những tác phẩm văn học đặc sắc nhất của Nam bộ.
...
Đọc "Hương rừng Cà Mau" thấy được cái phong vị độc đáo của một thời tuy đã xa nhưng nhắc lại nghe gần trong tâm thức. Sống ở thành đô nhưng luôn luôn nghĩ về những không gian thời gian ấy, thời của những câu thơ mở đầu đọc nghe đứt ruột:
"muỗi vắt nhiều hơn cỏ
chướng khí mù như sương
thân không là lính thú
sao chưa về cố hương
chiều chiều nghe vượn hú
hoa lá rụng buồn buồn
tiễn đưa về cửa biển
những giọt nước lìa nguồn
đôi tâm hồn cô tịch
nghe lắng sầu cô thôn..."
Dòng hoài niệm trôi về nơi những địa danh mà nghe như tưởng của thế giói xa xăm nào. Những Hòn Cổ Tron, những sông Gành Hào, những rừng U minh,.. tuy có trong thực tế nhưng lại hiện ra trong một huyền thoại nào tưởng chỉ có trong cổ tích. Chuyện hát bội giữa rừng U Minh: "Câu chuyện hát bội hồi xưa tới đây cũng khá dài rồi. Nhưng chưa hết, vì còn mấy ông cọp nọ. Có lẽ mấy ông mê hát bội hơn loài người. Chừng một hai tháng sau, cái sân khấu nọ tốc nóc, bao nhiêu nọc tràm làm hàng rào đã lung lay ngả nghiêng trên dòng nước, chừng đó người ta thấy một đôi ông cọp thường tới lui ngồi cú rũ dưa gốc cây gừa bên bờ rạch. Nhất là đêm có trăng, mấy ông le lưỡi dài thòn, như nhớ tiếc bao nhiêu con mồi ngon, bao nhiêu tiếng kèn tiếng trống. Biết đâu về sau này mấy tiếng "coi hát cọp" là do sự tích của mấy ông hồi xưa không chừng!". Chuyện bắt sấu U Minh: "Tới ao sấu, ông năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế đó ông với tôi lấy xuổng đào một đường nhỏ, ngày một cạn, từ bờ ao lên rừng chừng mười thước. xong xuôi ông biểu tôi bứt cho ổng một nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một đống cây mốp tươi, chặt ra khúc chừng ba tấc".
Lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao. Chập sau, bị khói bay cay mắt, ngộp thở, phần thì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời ông năm Hên chạy lại. Sấu hả miệng hung hăng đòi táp ổng. Ông đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại dính chặt hai hàm răngnhư mình ngậm một cục mạch nha quá lớn muốn hả miệng cho rộng để nhả ra cũng không được. Sấu bị khúc mốp khóa miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm xách cây mác nhằm sau lưng sấu mà sắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Đuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình.."
Những nhân vật của "Hương rừng Cà Mau" cũng nhiều nét khác thường độc đáo. Họ là những dị nhân sống trong một thời buổi giao thời, đơn giản bình dị nhưng nhiều khi cũng có trí phán đoán sâu sắc. Nghe ông già Năm xay lúa luận chuyện thời tiết đất trời trong chuyện "Ông già xay lúa" hay nghe ông mù Vân Tiên bàn về chuyện cá ăn câu trong "Người mù giăng câu", chúng ta mới thấy được cái học trong đời sống không phải chỉ ở học đường mà còn là kinh nghiệm từ hàng ngày thu lượm được. Và, trong từng ngôn ngữ, từng cử chỉ, vẫn bàng bạc một lòng yêu nước, yêu tự nhiên như những Trương công Định, những anh hùng chống Pháp bình dân nhưng vì nghĩa lớn mà mang tầm vông, giáo mác chống lại súng đạn tối tân.
Tác giả Sơn Nam đã tâm sự:
"Tôi sinh ra ở vùng đất U Minh, nơi đó là những cánh rừng tràm bạt ngàn kéo dài từ Rạch Giá qua Sóc Trăng, Bạc Liêu và đến tận Cà Mau. Tôi bắt đầu sự nghiệp viết lách bằng những truyện ngắn vào năm 1955 trên văn đàn Sài Gòn để từ đó có Mùa Len Trâu, Hương Rừng Cà Mau.. được viết ra từ ký ức quê nhà mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Trời sinh ra cây tràm thật là kỳ diệu, nó bám chặt rễ trong sình, chìm ngập trong nước mà vẫn mạnh khỏe vẫn sinh sôi nảy nở để giữ vững mảnh đất bồi cho quê hương và giữ người cho đất. Chẳng nơi nào có được những ngày rừng tràm nở rộ hoa trắng mênh mông trùng trùng điệp điệp quyến rũ cơ man hàng vạn bầy ong làm tổ trên cành hút nhụy hương rừng làm mật ban tặng cho loài người như ở đất U Minh..."
Sinh hoạt một thuở của những người di dân Nam Bộ được sống lại trong "Hương Rừng Cà Mau". Những câu hò trong "Con Bảy đưa đò" mang tâm tình của người đi khai hoang. Mùa nước nổi những đàn trâu bò phải di chuyển lên vùng cao, một nét đặc thù của người dân miền đồng bằng trong "Mùa Len Trâu". Cũng như với "Một Cuộc Biển Dâu", người chết trong mùa lụt phải thủy táng chứ không t 249b hể chôn được dưới ba thước đất. Rồi "Đóng gông ông thầy Quýt", rồi "Cây huê xà",, người ác với những mưu mô lẫn lộn ở cạnh người hiền và rốt cuộc cũng là lẽ trả vay của trời đất tuần hoàn.
Những nhân vật như ông Từ Thông, như lục cụ Tăng Liên, như bác Vật Xà Bông, như cậu xã Nê, như ông Tư Đức, như Ông Vân Tiên sư tổ giăng câu,.. có nhiều nét sống thực nhưng cũng có nhiều nét của những chuyện kể của những người tò mò muốn tìm những nét đặc biệt của một thời đã được ghi dấu trên lịch sử... Nhân vật của Sơn Nam có nét dân gian, gần cận với sinh hoạt bình dân nên người đọc dễ hòa mình vào tâm cảm của họ...
(Trích từ bài viết Sơn Nam, ông già "Ba Tri" của đồng bằng Nam Bộ của Nguyễn Mạnh Trinh).