Đã quen với một Nguyễn Ngọc Tư của những truyện ngắn hay, của những tản văn ám ảnh lòng người có lẽ khó có thể cảm được một Nguyễn Ngọc Tư với Sông trải dài qua trang sách, qua những câu chuyện trong một hành trình rầu rĩ. Ừ, Sông của Nguyễn Ngọc Tư là như thế, một con sông mộng mị, kỳ ảo phủ một màn sương mơ hồ lên cái phần thật trần trụi. Vậy mà chỉ cái phần mờ đó thôi cũng khiến người đọc ngả nghiêng trong cảm xúc rồi trôi lềnh bềnh giữa sông nước, bất kể nó mang cái tên nào, cũng thấm đẫm phong vị miền Tây. Trong Sông, loáng thoáng những mảnh đời được chắp lại với nhau. Kẻ này người kia giữa dòng chảy nửa hư nửa thực mang tên sông, mang tên đời để dấn thân vào những chuyến đi. Có lẽ không cần phải nói đến văn phong hay câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư nữa bởi cách viết, bởi cách nhìn, bởi cách miêu tả tỉ mỉ và tinh tế của "Sông", hay ở bất kỳ câu chuyện nào khác của chị, đều có nét riêng của riêng Nguyễn Ngọc Tư. Thử nghiệm tiểu thuyết "Sông" có thể chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng bứt phá này, như chính tác giả đã từng chia sẻ, là "vừa mới bước ra khỏi ngôi nhà ấm cúng kia thôi, gặp vài trận mưa đầu tiên" trong chặng đường sáng tạo không có đích của một nhà văn.
Những câu chuyện qua từng khúc sông đó, thi thoảng có những mảnh rời rạc mình đã đọc đâu đó trên mạng, nhưng đi theo chân Ân dọc sông Di, độc giả vẫn thấy đó là một cuộc hành trình trọn vẹn tiếp nối. Giọng văn buồn ám ảnh của Tư vẫn vậy, mỗi chương đều day dứt, cuộc đời nhân vật vẫn không lối thoát. Đến tận cùng câu chuyện, Ân vẫn còn níu giữ trong lòng mình ảo ảnh về bạn đồng hành trong chuyến đi, hay cả những bạn đồng hành khác trong cuộc đời cậu. Cũng như mình vẫn níu giữ hy vọng nhỏ nhoi về một kết thúc truyện nhẹ nhàng hiếm hoi của Nguyễn Ngọc Tư, trong khi thừa biết rằng điều đó là không thể xảy ra. Sông là một tác phẩm chân thực, chất phác, đau nhói và đầy chất Nguyễn Ngọc Tư.