“Thời loạn” một cuốn tiểu thuyết mỏng thôi, chỉ hơn 100 trang, chính xác là 131 trang, nhà văn Lê Lựu có ý định viết cuốn tiểu thuyết này từ khi bắt đầu sang làm Trung tâm Văn hóa doanh nhân. Ông xây dựng một doanh nhân có cái tên rất buồn cười - Xanh Dương Lẫm Liệt. Nói chung các nhân vật trong “Thời loạn” đều có cái tên buồn cười. Nhân vật doanh nhân của ông hình thành tính cách từ nhỏ, khi 13, 14 tuổi nó đã biết yêu và nó yêu cho đến khi thành một tỷ phú.
Ông bảo rằng doanh nhân bây giờ cũng có nhiều dạng, có người đi lên bằng tài năng, bằng trí tuệ, nhưng cũng lắm kẻ đi lên bằng những mối quan hệ, tận dụng mối quan hệ của dòng họ mình, tận dụng bản thân mình, bất chấp tất cả, miễn có tiền. Mà chỉ có thời loạn thì mới sống được với nhau như thế. Rồi ông tiếc nuối, cái thời năm 59-60 khi ông đi bộ đội - cái thời đấy người ta ra trận mà cứ như đi hội, chả toan tính gì. Cái thời ấy không ai có thể tưởng tượng được bây giờ con người ta lại sống với nhau như thế, ăn ở với nhau như thế.
Khác với những cuốn tiểu thuyết trước, Lê Lựu viết ngắn gọn hơn, đọc nhanh hơn, cầm cuốn sách đọc một lèo là hết veo. Và cái lý mà ông giải thích cho cuốn tiểu thuyết mỏng ấy nôm na là: “Bây giờ viết thế thôi, người ta không có thời gian đọc đâu. Miễn là thông tin phải nhanh, mình viết tình huống nhân cách là chính, rườm rà ích gì. Với lại chẳng ai có quy định nhất thiết tiểu thuyết phải thế này, phải thế kia, hoặc 300 trang, 500 trang hoặc 10 trang.
Mỗi một tình huống, mỗi một câu chuyện nó phải có cách thể hiện thích hợp. Một cuộc sống nhanh chớp nhoáng trong tất cả mọi lĩnh vực như bây giờ người ta không có thời gian để ê a đọc như “Thời xa vắng” và “Mở rừng” của tôi như trước. Điều quan trọng lúc này cần thông tin có ý nghĩa chứ không cần nhấm nháp mãi một chi tiết”