Nguyễn Vinh Tú thuộc lớp những nhà văn trưởng thành trong quân đội, cùng thời với các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Xuân Khánh... Mấy năm gần đây, ông lại viết rất hăng say, cho ra đời ba cuốn sách, bao gồm truyện ngắn và tiểu thuyết, ngót nghét hơn nghìn trang. Có lẽ lòng yêu nước và khí phách con người Việt Nam là điều lớn nhất trong tác phẩm của ông. Đơn cử như tiểu thuyết Khuất một vầng trăng (NXB Hội Nhà văn, 2008) và tập truyện ngắn Vết chân chim (NXB Văn học, 2012) trước đây, bộc lộ mạnh mẽ lòng yêu nước và tấm lòng người chiến sĩ hy sinh vì nghĩa lớn.
Lần này, tiểu thuyết Ách giữa đàng (NXB Hội Nhà văn, 2014), qua câu chuyện tình yêu hài hước giữa một anh cung tiêu và trùm đô vật, tác giả làm toát lên những suy tư về cuộc sống bây giờ, những trăn trở về mọi mặt giá trị của đời sống, vấn nạn tham nhũng... Sự hài hước toát lên trong từng hình ảnh, câu chữ, tình tiết, cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, cách gợi mở ký ức, cách nhìn nhận sự vật. Tác giả viết theo trí nhớ, ấn tượng, thực mà không thực, đùa đùa thật thật. Nhưng đó chính là lối sống của dân gian, mỗi con người là một bản sao của ký ức ngàn đời. Thế nên mới có việc vận Truyện Kiêùvào nhân vật, đưa thơ phú, tâm linh, pháp luật, nhà tù vào đời sống để trói buộc con người.
Sống như thế mới thú vị; con người ta luôn đem theo ký ức và văn hóa trong sâu thẳm bản thân, những mặc cảm, ham muốn, sợ hãi, cắn rứt trong lương tâm, tiềm thức. Nhưng đặc biệt, con người phải thủ tiêu cái ác, để sống hạnh phúc, yêu thương con người. Trong tác phẩm của Nguyễn Vinh Tú ta thấy đau thương nhưng không hằn học, lúc nào cũng tươi mới, bao dung, cảm thông với con người. Viết về thói hư tật xấu, Nguyễn Vinh Tú đấu tranh không khoan nhượng, không lùi bước. Đặc biệt vấn đề tham nhũng là trọng tâm của cuốn này, tư tưởng không khoan nhượng với những kẻ quan tham, hại dân hại nước. Tuy sử dụng nhóm nhân vật nhỏ, nhưng tác giả xới lên một loạt vấn đề rất đáng chú ý hiện nay: Sự tha hóa đạo đức của đời sống, niềm tin tâm linh thế kỷ 21 và vấn nạn tham nhũng, như gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh. Tại sao bây giờ cuộc sống đủ đầy mà lòng người nhạt nhẽo? Vì tiền bạc, văn minh vật chất đã tràn lan, lấn át đi cái phần bên trong sâu xa cốt lõi, hồn vía của con người. Người ta cứ tưởng cái bên ngoài, cái bề nổi đó, cái nhìn thấy được là thước đo cuộc sống của con người; mà ngờ đâu cái bên trong, cái lẽ sống, niềm tin, tình cảm, mạch ngầm của văn hóa mới là tất cả! Trong thời kỳ khủng hoảng, con người cố sức tận dụng mọi phương pháp để giữ vững tinh thần, niềm tin, khai mở tâm linh, hòng giúp ích trước hết cho bản thân mình. Nhưng khốn nỗi, tâm linh phải là điều thiện trong căn tính, phải là hiểu biết và thức tỉnh sâu xa, chứ không phải là niềm tin trong một chốc một nhát mà có được.
Về tình yêu và hạnh phúc gia đình, tác giả đặc biệt cổ vũ cho nền tảng gia đình. Gia đình là cơ hội để con người học hỏi, hoàn thiện và hạnh phúc, là chốn để dung thân. Nhân vật tiêu biểu trên trận tuyến này, bảo vệ gia đình, bảo vệ máu mủ, là "chị Chiến". Cách làm của chị Chiến rất buồn cười: Bỏ tro vào lọ, cho hơi hướm áo quần xương thịt bay hết, khi chôn lọ ở ngã ba đường mặc xe cộ quần thảo. Nhưng chị có chôn bao nhiêu nữa, thì người ta vẫn cứ yêu nhau! Viết về tình yêu, Nguyễn Vinh Tú có niềm tin sâu thẳm đối với tình yêu. Câu chuyện tình yêu xảy ra trong một thời đoạn ngắn, Ách giữa đàng, nên có gì để nói nhiều. Nhất là tình yêu ấy lại hài hài, thật thật. Nhưng như thế cũng chứng tỏ sức tưởng tượng xuất sắc của tác giả.
Đổi mới được nội dung và hình thức của văn học là một sự đòi hỏi hắc búa, tìm tòi khắc khổ và đôi khi cả sự hy sinh nữa. Có một tiếng nói mới, có một sắc thái mới, có một ý thức mới, đã là quý. Sức tưởng tượng, cách nhìn sự vật hài hước, đầy tính giễu nhại trong tiểu thuyết Ách giữa đànglà một sự chuyển hướng rất mạnh về thi pháp, so với các tác phẩm trước của nhà văn (Phong trần, Khuất một vầng trăng, Vết chân chim). Ở các cuốn sách kia, hiện thực có vai trò rất lớn trong sự tồn tại của tác phẩm. Còn ở cuốn sách này, hiện thực chỉ còn là một phần rất nhỏ, thời gian thu hẹp lại, hình ảnh, ngôn ngữ có tính liên tưởng cao, độ hài hước mạnh. Các từ đẻ ra nhau, thí dụ chữ bồ: bồ câu, bồ kết, bồ hóng, bồ hòn, bồ sứt cạp... Đó chính là tâm thức và thao tác của thi nhân hơn là một kẻ văn xuôi. Nguyễn Vinh Tú đẩy ngôn ngữ lên để gây cười, nâng cao tính giễu nhại. Các tình tiết hài hước nối tiếp nhau, đầy ý vị, được đẩy đến cao trào, gây ngạc nhiên, bất ngờ cho người đọc. Và viễn cảnh phiên tòa cuối cùng khép lại tiểu thuyết, chính là màn hài hước đỉnh cao của tác giả.
Về vấn đề tham nhũng, ông viện dẫn cả Tây, Tàu, phân tích kỹ căn nguyên, thực trạng và giải pháp. Giúp cho mọi người thấy được cái xấu, không bằng giúp cho mọi người hiểu được cái xấu. Hiểu được cái xấu cái ác, thì trước hết người ta không làm điều xấu nữa và tiến tới một bước tiêu diệt cái ác. Ở đây cái xấu ác, vòi tham nhũng đã ăn vào máu, từ tệ tham ô hối lộ, đút lót, công đức, âm mưu ném đá giấu tay, trục lợi, lấy của công làm của riêng, chỉ vì lòng tham vô bờ bến. Trước hiện tình như thế, người trăn trở và đau đớn nhiều nhất là thế hệ của người bố.
Ách giữa đàngcòn một ít dấu vết của hiện thực huyền ảo, nhưng không mạnh mẽ như ở Khuất một vầng trăng. Xét về mặt bản chất văn chương và đời sống, hiện thực dần dần sẽ phải nhường chỗ cho sự tưởng tượng, độ phi lý, phi lô-gích, bất an. Vì cái đó phản ánh đúng bản chất tinh thần con người trong thế kỷ mới, khi con người phát triển về tinh thần tự do, không còn xác tín vào những gì giáo điều nữa.
Văn của Nguyễn Vinh Tú thật, tràn đầy niềm tin đối với cuộc đời, bằng một tâm hồn đầy kinh nghiệm sống. Tác phẩm này có sự đa nghĩa và độ mở, vì nó phát triển trên trí tưởng tượng và ngôn ngữ của nhà văn giàu nội lực. Nó khuyến khích những tưởng tượng, liên tưởng khác, đó là một chuyển biến mạnh về thi pháp, một đóng góp mới của tác giả vào dòng chảy văn học.