Anh hùng “đặc công nước” đời thường

13:15:00 01/05/2015
Ông không thích nói về bản thân, rất thông cảm với nghề nghiệp của nhà báo và văn nghệ sĩ, nên hò hẹn mãi, cuối cùng, ông - Phó Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Tình - cũng đồng ý để một nhà văn đến lấy tư liệu cho một cuốn tiểu thuyết. Ông bảo: “Đừng viết về cá nhân mà hãy viết về đồng đội, về tập thể mà tôi chỉ là một cá nhân...”.
Phó Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Tình sinh ngày 2.10.1945, ở xã Giao Yến (Giao Thủy, Nam Định), nguyên Ủy viên T.Ư Đảng khóa IX, Chính ủy Quân chủng Hải quân. Nhập ngũ tháng 10.1963, được phong danh hiệu AHLLVTND tháng 11.1969 và nhiều huân, huy chương...

Sự khiêm cung là nét thường gặp ở các vị tướng trận - những tên tuổi đã làm nên những chiến công lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trung tướng Nguyễn Văn Tình cũng không là ngoại lệ. Tuy vậy, sự kiên nhẫn của phóng viên Báo Lao Động - cũng như ông nhà văn nọ - cuối cùng cũng đươc đền đáp. Rồi hơn thế, ông còn là nhân vật trong bộ ảnh “Tướng trận thời bình” của tôi.

Lần gặp tháng 4.2015, thấy nhà ông xuất hiện thêm bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1962 được phóng to treo thật trang trọng. Ông bảo, đó là hai thần tượng của ông.

Ông có vẻ ngoài rất trầm tĩnh, kiểm soát tốt cảm xúc, gây cảm giác tin cậy cho người đối thoại. “Người đặc công nước phải có bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm cao. Trình độ kỹ thuật, chiến thuật điêu luyện. Sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Linh hoạt, sáng tạo tùy thuộc vào từng trận đánh, điều kiện cụ thể. Nếu như lính bộ binh có yểm trợ từ phía trước-sau, bên phải, bên trái thì người lính đặc công nước trên là trời dưới là biển, không lợi dụng được gì. Đặc công nước phải có sức khỏe dẻo dai, lặn tốt, thở tốt, có thể phải vượt qua địa hình hàng chục kilomet, trên người mang theo mấy chục cân khí tài, mìn, trang bị… Dưới nước, anh vừa là chiến đấu viên, vừa chỉ huy bản thân. Một tổ đặc công nước chỉ có 2-3 người, thậm chí 1 người, trinh sát, đánh tàu địch hoàn toàn vào ban đêm để đảm bảo bí mật, bất ngờ. Quả mìn buộc phao nhẹ để nổi hơi, làm sao đặc công nước vừa bơi, vừa kéo theo mìn giữ thăng bằng, không để chìm nhưng cũng không để mìn nổi lên mặt nước tránh địch phát hiện..." - ông nói với tôi.

Trận đánh đầu tiên của ông là ngày 10.4.1967 ở Cửa Việt - Quảng Trị. Đó là trận đánh tàu chưa thành công. Và ông đã ốm mấy ngày vì tiếc, vì tự trách mình chưa nắm được quy luật của sóng biển… Những buổi tập luyện của đặc công nước trên nhiều sông ở Hải Phòng, Hòn Gai, Cát Bà…khiến các ông ngày càng thuần thục tự tin hơn vào kỹ thuật của mình.

Ông kể tôi nghe những trận đánh tàu Mỹ với tất cả những gian khổ, nhọc nhằn của tổ đặc công nước. Với những trận đánh tàu lớn phải dùng thủy lôi (dài khoảng 2m, nặng 900kg), phải chia nhỏ từng bánh, buộc vào từng người và xuất phát bơi ra biển vào đêm. Gần sáng, phải dừng lại cất giấu thủy lôi vào trong cát, tính sao cho thủy triều lên xuống địch cũng không phát hiện ra, mà sóng cũng không đánh trôi thủy lôi đi. Đêm xuống lại bơi ra đào tìm những bánh thủy lôi đã chia nhỏ, buộc vào người lại bơi tiếp… Cứ thế, mấy ngày đêm bơi hàng chục kilomet mới tiếp cận vào sát tàu địch. Đó là chưa kể phải thường xuyên đối phó với tàu tuần tiễu của địch, đèn pha, pháo sáng, các loại máy “thông minh” thu tiếng động, âm thanh để phát hiện thủy lôi…

“Tôi hay được chọn đánh những trận mở màn, với những đối phó mới của địch. Tổng tiến công Mậu Thân 1968, tôi và anh Mai Năng đang trên đường trở ra để báo cáo nhận tuyên dương Anh hùng thì lại được lệnh quay lại đánh tàu….” - ông nói. Ông không muốn kể nhiều về những chiến công của mình, bởi lẽ bản tính ông không muốn khoe thành tích, cũng bởi có những bí mật về nghệ thuật chiến thuật quân sự không thể tiết lộ.

Phó Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Tình học quân sự ở Nga 4 năm, tham gia đào tạo nhiều lớp đặc công nước và giờ đây khi đã nghỉ hưu, ông vẫn gây cảm giác là con người của hành động. Ông theo sát tình hình thời sự đất nước, những điểm nóng và sẵn sàng bày tỏ chính kiến mạnh mẽ của bản thân. Tập luyện thể thao hàng ngày, ông còn vui thú chăm sóc khu vườn của nhà, dành thời gian tham gia các hoạt động từ thiện xã hội...


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1