Các nhà làm phim xin đừng phớt lờ khán giả

07:57:00 18/06/2015
ANTĐ - Người yêu thích điện ảnh trên khắp thế giới và ở Việt Nam phát sốt với bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên “50 sắc thái” bởi sự táo bạo khi đề cập đến vấn đề tình dục và BDSM - một dạng đóng vai hoặc lựa chọn lối sống giữa hai cá nhân trở lên nhằm tạo sự căng thẳng, khoái cảm và giải thoát trong tình dục bằng những trải nghiệm đau đớn và quyền lực.

ANTĐ - Người yêu thích điện ảnh trên khắp thế giới và ở Việt Nam phát sốt với bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên “50 sắc thái” bởi sự táo bạo khi đề cập đến vấn đề tình dục và BDSM - một dạng đóng vai hoặc lựa chọn lối sống giữa hai cá nhân trở lên nhằm tạo sự căng thẳng, khoái cảm và giải thoát trong tình dục bằng những trải nghiệm đau đớn và quyền lực.

Godzilla, một tác phẩm thành công của điện ảnh Mỹ khi lấy cảm hứng từ Nhật Bản

Sức sáng tạo và sự khôn khoan


Tuy nhiên, khá nhiều người nhận ra nội dung này đã xuất hiện từ rất lâu trên điện ảnh Nhật Bản. Ví dụ cụ thể nhất có thể kể đến là phim “Vương quốc dục cảm” (In the realm of the senses-1976) của đạo diễn Nagisa Oshima.

Khi Oshima làm bộ phim này, giới phê bình điện ảnh đã cho rằng đây là phim khiêu dâm bởi tính bạo liệt của nó so với thời đại. Phải mãi đến năm 1991, bộ phim mới được công nhận là phim nghệ thuật. Song điều đáng nói là cách người Mỹ đã phản ánh và khai thác những ý tưởng phong phú được xuất phát từ xứ sở Hoa anh đào như thế nào.

Kể từ năm 1945, người Mỹ đã bắt đầu khai phá tiềm năng của miền đất mới với sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại. Ngược lại, người Nhật cũng có cơ hội hội nhập nền văn hóa phương Tây và cải tiến văn hóa bản địa vốn dĩ bị o bế hàng thế kỷ. Với sự xuất hiện của điện ảnh phương Tây và các luồng văn hóa mới, người Nhật thể hiện một sự học hỏi và sức sáng tạo không thể ngờ, khiến cho Mỹ và các nước châu Âu phải cúi mình với tài hoa của nhiều đạo diễn đã có tên tuổi trên khắp thế giới, điển hình là Akira Kurosawa.

Nhiều tác phẩm của đạo diễn Kurosawa đã đem đến cho người nước ngoài một cái nhìn mới về văn hóa võ sỹ đạo, cũng từ đây mở ra một kỷ nguyên mới đối với các nhà sản xuất điện ảnh Mỹ. Trong số đó, bộ phim Bảy Samurai (1954) có thể coi như sự sáng tạo đánh dấu bước ngoặt mang sức ảnh hưởng mạnh mẽ cho thể loại phim hành động sau này ở Mỹ. Ngay sau đó, ở Mỹ xuất hiện bộ phim The Magnificent Seven (Bộ 7 người hùng của đạo diễn John Sturges, hoàn toàn là một phiên bản Bảy Samurai ở dạng phim cao bồi Mỹ.

Bên cạnh đó, Ninja - hình tượng văn hóa nổi bật trong nền điện ảnh Nhật Bản cũng được điện ảnh Mỹ khai thác triệt để. Cụm từ “Ninja” đã trở thành một thương hiệu văn hóa thị trường tại Mỹ, ảnh hưởng đến hầu hết các loại hình giải trí khác (phim ảnh, truyện tranh, võ thuật…). Cũng chẳng ngạc nhiên khi trong suốt vài thập kỷ, người Mỹ liên tục cho ra đời các bộ phim Ninja theo kiểu “cây nhà lá vườn” như series phim nhiều phần The Karate Kid (Cậu bé Karate), hay American Ninja (Ninja Mỹ)…

Không chỉ ở thể loại phim hành động, thể loại phim kinh dị của Nhật Bản cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người Mỹ. Có thể kể đến các bộ phim kinh dị của đạo diễn Hideo Nakata như series phim dựa trên tiểu thuyết nhiều tập cùng tên Ringu (The Ring), cũng rất thành công khi được đạo diễn Gore Verbinski làm lại ở phiên bản Mỹ The Ring (2002). Godzilla, bộ phim sắp được chiếu trên HBO cũng là một tác phẩm thành công của điện ảnh Mỹ khi lấy cảm hứng từ Nhật Bản. Không nhiều người biết Gojira (Godzilla) đã được đạo diễn Nhật Ishiro Honda làm từ năm 1954.

Loạt phim kể trên chỉ là một phần thể hiện sự lặp lại các tác phẩm điện ảnh Nhật ở thị trường Mỹ. Cùng sức sáng tạo của người Nhật và sự khôn ngoan khai thác tiềm năng văn hóa của người Mỹ, sự kết hợp hai tư tưởng triết lý Đông-Tây hứa hẹn sẽ cho ra đời nhiều những tác phẩm xuất sắc hơn nữa trong sự nghiệp điện ảnh mỗi nước.

Bài học cho điện ảnh Việt

Người làm phim Việt Nam cũng có thể học được nhiều bài học từ đó. Mặc dù từng có nhiều bộ phim Việt Nam bắt chước các bộ phim ăn khách của nước ngoài, đề cao tính giải trí như: Cô dâu đại chiến (2011) của Victor Vũ, Hoán đổi thân xác (2011) của Nhất Trung, hay Gia sư nữ quái (2012) của Lê Bảo Trung…, nhưng có vẻ như vẫn còn là quá sớm với điện ảnh Việt Nam khi nền tảng tư duy chưa thoát khỏi được những tín điều cũ: Coi điện ảnh như một công cụ phục vụ tuyên truyền, tính giải trí chỉ xếp hàng thứ yếu. Trong khi tính giải trí trong nền điện ảnh Mỹ, Nhật hay ở điện ảnh nhiều nước khác lại được đặt lên hàng đầu, thậm chí còn mang ý nghĩa sống còn của điện ảnh.

Từ thuở điện ảnh ra đời, mục đích đầu tiên của nó không phải để làm nghệ thuật, phục vụ chính trị hay truyền tải văn hóa, mà là phục vụ giải trí cho con người. Đó là cốt lõi của điện ảnh mà Việt Nam vẫn chưa đạt được, một cái cốt lõi văn hóa giúp phân biệt phim hay và phim dở.

Hollywood của Mỹ cũng từng có thời ảm đạm vắng khách bởi quên mất khán giả. Vậy vì lý do gì điện ảnh nước ta, có cơ hội rút kinh nghiệm khi đi sau, lại rơi vào lối mòn ấy? Chúng ta hãy còn chập chững trên con đường làm điện ảnh thị trường, đừng vội chạy mà lại ngã đau.

Hãy bắt đầu làm lại từ những kịch bản cổ điển nhất, rồi biến chúng phù hợp với nền tảng văn hóa xã hội ở nước ta. Vẫn cùng một phương pháp ấy, nhưng lại là cách đi khôn ngoan, mô phỏng những thành công đến từ điện ảnh thế giới. Một khi điện ảnh làm cho khán giả hứng thú, phải mở hầu bao mua vé thì dần dần điện ảnh sẽ có điều kiện nâng cao tính nghệ thuật mà vẫn hấp dẫn được mọi tầng lớp khán giả ở trong nước hay bất cứ đâu trên thế giới.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1