Pearl Buck và tâm hồn Trung Quốc nghìn xưa

08:48:00 26/07/2015
Pearl Buck (1892-1973), là nhà văn nữ Mỹ đầu tiên được giải Nobel năm 1938. Bà là con một gia đình cả bố lẫn mẹ đều làm mục sư ở Trung Quốc. Bà sinh ra ở Mỹ và từ nhỏ khi mới được ba tháng đã theo bố mẹ sang Trung Quốc và sống thời thơ ấu ở đó. Bà về Mỹ học đại học, đi dạy tâm lý học ở Mỹ rồi trở lại Trung Quốc. Bà lấy mục sư Buck năm 25 tuổi, ở phía Bắc Trung Quốc. Sau bà dạy tiếng Anh ở Nam Kinh (1921-1931).

Năm 1932, bà về Mỹ và ba năm sau lấy R.F.Walsh (Uals), người xuất bản sách của bà. Khi bà 39 tuổi, vinh quang đã đến với bà do cuốn tiểu thuyết Đất tốt (Good Earth, 1931) được giải thưởng văn học Mỹ Pulitzer. Vấn đề phụ nữ được nêu lên hàng đầu trong các tiểu thuyết lấy cốt truyện ở Trung Quốc và Mỹ. Nhân con gái bị bệnh thần kinh, bà sáng tác cuốn Đứa trẻ không lớn lên được. Từ những năm 1950, bà ngày càng chú ý đến những vấn đề của các bác học nguyên tử và viết vở kịch Một sự kiện ở sa mạc, nhiều truyện ngắn và bài báo. Bà còn viết tự truyện, sách trẻ em, dịch Thủy Hử sang tiếng Anh.

Sáng tác của Pearl Buck gồm 85 tác phẩm, mảng đề tài về Trung Quốc cổ truyền, đặc biệt về nông dân, là đóng góp có giá trị nhất...

Đất tốt được đánh giá là kiệt tác của Pearl Buck. Tiểu thuyết kể lại cuộc sống bần nông của Wang Lung. Tác giả miêu tả rất chính xác phong tục, tập quán của nông dân Trung Quốc, nỗi gian lao vất vả của họ để đối phó với cơ cực, đói kém, những cuộc chiến tranh tương tàn trước Cách mạng. Tâm hồn Trung Quốc thể hiện qua tính cách của Wang Lung, đất được coi như máu thịt. Nhờ thời buổi loạn lạc, Wang Lung trở thành địa chủ. Về già, bác làm cho con cái bất bình vì mê cô gái Lê Hoa.

Tập II tiếp tục Đất tốt là Những đứa con trai, Wang Lung có ba con trai. Con trai thứ ba, trẻ và cương quyết, có biệt hiệu là “Con Hùm” vì y là một tướng quân phiệt. Sau khi bố chết, ba con chia nhau gia tài. “Con Hùm” không nhận đất, chỉ cần tiền để mộ một toán quân. Anh sinh được một con trai đặt tên là Yuan. Bố muốn con thành một tiểu tướng, nhưng con theo tư tưởng mới, không thích chém giết. Mâu thuẫn tính cách khiến cho cuốn sách mang nhiều kịch tính.

Tập III của bộ tiểu thuyết là Gia đình phân tán. Yuan dứt bỏ truyền thống gia đình và thoát ly ảnh hưởng bố. Nhưng anh trù trừ mãi mới tham gia hội kín làm Cách mạng, hy vọng chấm dứt “nỗi đau khổ của nhân dân đáng thương”. Nhưng anh bị bắt, gia đình phải nộp món tiền chuộc lớn anh mới được tha. Sau đó anh đi du học nước ngoài để tìm hiểu về văn minh phương Tây. Cuốn sách kết thúc với cuộc tình duyên chớm nở giữa Yuan và một cô gái sinh viên Trung Quốc. Bố anh, tướng quân phiệt về già, bị nông dân nổi dậy giết chết.

Gió Đông, Gió Tây miêu tả cuộc xung đột giữa cũ và mới, Đông và Tây. Trong một gia đình quý tộc giàu có, các cụ nệ cổ cố ngăn cản mà không được, các thanh niên hăm hở theo cuộc sống phương Tây với sự tôn trọng tự do cá nhân. Con trai bà mẹ du học ở Mỹ về và lấy vợ Mỹ đi ở riêng. Con gái, theo lời hứa hôn đã lâu, được gả cho một thanh niên tốt nghiệp bác sĩ ở Mỹ về. Chàng chấp nhận việc đã rồi nhưng mong muốn vợ thay đổi. Nàng yêu chồng, cố gắng trở thành phụ nữ tân tiến để hợp với chồng. Đoạn trích sau đây kể lại ngày cưới của nàng, do nàng kể lại (Bản dịch của Huyền Kiêu, 1945).

“... Đêm hôm ấy rất vui, tiếng cười và trò đùa đã hết, tôi một mình ngồi trên giường trong tân phòng. Nỗi sợ hãi làm tôi nghẹn ngào. Cái giờ mà tôi tưởng tượng suốt đời, mà tôi ghê sợ và ước ao, đã đến, cái giờ mà lần đầu tiên chồng tôi nhìn mặt tôi, và chúng tôi ở một mình cùng nhau. Tay tôi lạnh buốt, nắm chặt vào nhau trên đầu gối. Lúc đó chàng vào, vẫn to lớn và tối sầm trong bộ quần áo sẫm màu. Chàng tiến ngay đến tôi và lặng lẽ bỏ tấm khăn che đi mà ngắm nhìn tôi rất lâu. Chàng thu nhận tôi như thế đó. Rồi chàng vơ lấy một bàn tay tê giá của tôi [...]

Thốt nhiên chàng rụt tay vào và im lặng nhìn tôi. Rồi sau chàng bắt đầu nói cùng tôi với một vẻ rất đứng đắn. Lúc đầu tôi không hiểu lời chàng vì giọng nói kỳ lạ đối với tai tôi, một giọng đàn ông bình tĩnh, sâu xa nó làm tôi ghê thịt vì sợ hãi [...]

“Người ta không thể cầu được nàng luyến ái một người mà nàng mới gặp lần đầu; về phần tôi cũng thế. Người ta đã ép uổng tôi, tôi cũng như nàng, vào việc cưới này. Từ trước tới nay, chúng ta không có cách tự vệ. Nhưng bây giờ, chúng ta có thể được tự do để xây dựng một cuộc đời theo ý chúng ta ước mong. Riêng phần tôi, tôi muốn theo những con đường mới. Trong cả mọi điều, tôi muốn coi nàng như một người ngang hàng. Không bao giờ tôi dùng cách áp chế. Nàng không phải của cải của tôi, một vật trong quyền sở hữu của tôi. Nàng có thể là một người bạn thân của tôi nếu nàng muốn”.

Đó là bài diễn văn tôi được nghe tối động phòng! Thoạt đầu, tôi không sao hiểu được vì kinh ngạc quá [...] Thốt nhiên, tôi suy nhược đi vì sợ hãi. Chàng muốn tỏ ra rằng không kết duyên cùng tôi còn hơn? [...]

Chàng ngắm tôi gần vào tận người. Tôi thấy tay chàng nặng trĩu. Chàng muốn tỏ ý gì vậy? Tại sao các điều không thể tuần tự như định lệ? Tôi thực trở nên vợ chàng và ước ao thành mẹ nhiều con trai. Chao ôi! Từ đó bắt đầu nỗi ưu phiền của tôi, cái sức nặng đêm ngày chẳng chịu xa tôi! Tôi không biết làm ra sao cả. Trong sự thất vọng và sự ngu dốt của tôi, tôi cúi đầu. Chàng nói:

“Tôi xin cảm ơn nàng”. Rồi chàng đứng dậy, thu tay vào: “Xin nàng ngủ yên trong phòng này. Xin nàng hãy nhớ rằng bây giờ cũng như không bao giờ, nàng không có gì phải e sợ cả. Nàng hãy yên lòng. Đêm nay tôi ngủ ở phòng bên cạnh”. Chàng ngoảnh mặt đi rất mau và đi ra”...

Hữu Ngọc

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1