Dù báo chí Sài Gòn trước năm 1975 rất đa dạng, thậm chí phức tạp, nhưng nhìn chung, dòng thông tin chủ lưu vẫn là tình cảm dân tộc, mong muốn hòa bình, thống nhất đất nước, phản đối việc có mặt của quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam, lên án bộ máy chính quyền tay sai, tham nhũng, không hợp lòng dân…
Báo chính quyền lép vế
Những tờ báo là cơ quan ngôn luận của chính quyền Sài Gòn như Quật Cường, Tiền Tuyến, Dân Chủ… hầu như chỉ phát hành được trong bộ máy chính quyền, trong quân đội, chứ bán chẳng ai mua. Thỉnh thoảng, họ cũng thử cho phát không ở các sạp báo, nhưng người nhận chỉ cốt đem bán đồng nát chứ không phải để đọc, nên chính quyền phải ra lệnh dừng.
Trong khi đó, báo chí đối lập (công khai hoặc kín đáo) lại chiếm được diễn đàn thông tin. Có tờ đối lập công khai, chống đối chính quyền Sài Gòn quyết liệt, nêu đích danh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là tham quyền cố vị, hiếu chiến, thất học, tham nhũng, bất tài như tờ nhật báo Tin Sáng của chủ nhiệm kiêm chủ bút - ông Ngô Công Đức. Trên trang báo này ông mở tiết mục “tin vịt” - nghe qua rồi bỏ, chuyên đề này quy tụ nhiều cây bút đối lập với chính quyền Sài Gòn thời đó như: Nguyễn Ngọc Lan, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Cứ, Cung Văn… Trong tiết mục này, các ông châm biếm, nhạo báng chế độ Nguyễn Văn Thiệu, coi chính quyền không ra gì. Tất cả những bài của các ông đều ký tên là “Tư trời biển”. Chính ông Ngô Công Đức đã khai sinh ra cái tên “Phủ đầu rồng” nhằm ám chỉ cơ quan quyền lực, Dinh Độc Lập của chế độ VNCH. Ông là Dân biểu Hạ nghị viện Sài Gòn, nhiệm kỳ 1967 - 1971. Khi ra tranh cử lần 2, ông bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắt giam ở Trà Vinh. Sau đó, ông tị nạn ở Thụy Điển, Pháp.
Có tờ đối lập nhưng ôn hòa hơn, như tờ Điện Tín do cố nhà báo Chánh Trinh tức Lý Quý Chung làm chủ bút. Năm 1964, mới 24 tuổi, ông đã là chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ Sài Gòn Tân Văn. Năm 1965, Sài Gòn Tân Văn bị đóng cửa. Năm 1966, ông làm chủ bút cho tờ Buổi Sáng. Cũng trong năm này, ông trúng cử Dân biểu Hạ nghị viện. Tờ Buổi Sáng cũng bị đóng cửa sau đó ít lâu. Sau đó, ông làm chủ nhiệm cho tờ Tiếng nói Dân tộc. Năm 1969, tờ Tiếng nói Dân tộc bị đóng cửa. Năm 1970, ông làm chủ bút cho tờ Điện Tín. Chính trên tờ báo này, ông phân tích tình hình đất nước một cách sắc nét, ông là cây bút bình luận chính trị có uy tín bậc nhất vào thời đó. Ông mạnh dạn chỉ trích chế độ Nguyễn Văn Thiệu không hợp lòng dân, đàn áp học sinh, sinh viên, bắt bớ tù đày những người yêu nước… Chính vì lập trường không khoan nhượng với việc làm sai trái của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ mà tờ Điện Tín bị “côn đồ, du đãng” phá hoại đến nỗi phải tự đình bản.
Ngoài những tờ báo đối lập công khai, đối lập ôn hòa, chân chính, còn có nhiều tờ trung lập, gọi là thuộc "thành phần thứ ba", "đường lối thứ ba" - kêu gọi hòa bình, hòa hợp hòa giải chung chung, không ưa gì chế độ miền Nam nhưng cũng không ra mặt chống đối.
|
Nhà báo Trần Tấn Quốc - người sáng lập ra Giải Thanh Tâm. |
Có một "Đuốc Nhà Nam"
Tờ Đuốc Nhà Nam được báo giới Sài Gòn gọi là tờ đối lập chân chính. Chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ Đuốc Nhà Nam là ông Trần Tấn Quốc. Năm 17 tuổi, ông bị kết án 4 năm tù và bị đày ra Côn Đảo vì tham gia rải truyền đơn chống Pháp. Ra tù, ông lên Sài Gòn học nghề làm báo (ông quê Cao Lãnh). Bằng một nghị lực phi thường, ông quyết vượt lên số phận bằng cách vừa làm vừa học thêm tiếng Pháp. Ba năm sau, ông đã hoàn tất chương trình nghiệp vụ báo chí hệ hàm thụ của trường Universelle ở Paris. Chính trường học này đã giúp cho Trần Tấn Quốc có một quan niệm rõ rệt về nghề viết báo và trách nhiệm nặng nề của một nhà báo. Chẳng bao lâu, ông đã trở thành một nhà báo lừng danh giữa đất Sài Gòn. Ban đầu, Trần Tấn Quốc làm chủ bút và chủ nhiệm các tờ Thần Chung, Công Nhân, Tiếng Dội, Lẽ Sống, Buổi Sáng, Tiếng Dội Miền Nam, Dân Quyền... Năm 1961, tờ Tiếng Dội của ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm rút giấy phép vì loan tin không có lợi cho chế độ VNCH. Tháng 5.1965, ông ra tờ Tiếng Dội Miền Nam. Sau vụ đảo chính Ngô Đình Diệm, Trần Tấn Quốc đổi tên Tiếng Dội Miền Nam thành Dân Quyền, đến tháng 7.1965 lại bị thủ tướng chính quyền Sài Gòn là Nguyễn Cao Kỳ thu hồi giấy phép. Năm 1969, Trần Tấn Quốc ra tờ nhật báo Đuốc Nhà Nam, đối lập chân chính với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Ngày 4.8.1972, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sắc luật 007, buộc mỗi tờ nhật báo phải ký quỹ tại Tổng nha ngân khố 20 triệu đồng (bằng 500 lượng vàng). Ngày 3.9.1972, Trần Tấn Quốc ra số báo cuối cùng, trên số báo này, ông nói lời tạm biệt với bạn đọc, tuyên bố tự ý đình bản và công kích gay gắt sắc luật 007. Đầu năm 1973, ông trở lại cộng tác với tờ Điện Tín. Sự có mặt của Trần Tấn Quốc đã làm cho tờ Điện Tín tăng số phát hành đến không ngờ. Ngày 10.10.1974, người ta thấy Trần Tấn Quốc đi đầu trong đoàn “Ký giả ăn mày”, một sự kiện đi vào lịch sử báo chí Việt Nam và làm chấn động dư luận quốc tế.
Năm 1958, Trần Tấn Quốc sáng lập Giải triển vọng Thanh Tâm nhằm phát hiện và tôn vinh tài năng trẻ trên sân khấu cải lương. Hội đồng tuyển chọn gồm những nghệ sĩ, soạn giả nổi tiếng như: Phùng Há, Bảy Nhiêu, Duy Lân, Kiên Giang, Hà Triều, Viễn Châu, Điêu Huyền và các ký giả, luật sư, chính khách, nhân sĩ và khán giả. Nghệ sĩ đầu tiên chiếm huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1958 là Thanh Nga, tiếp theo là Ngọc Giàu, Lan Chi, Bích Sơn, Hùng Minh, Bạch Tuyết, Diệp Lang, Thanh Sang, Lệ Thủy, Phượng Liên. Gần 60 năm trôi qua, Giải Thanh Tâm vẫn còn giá trị và những nghệ sĩ được tôn vinh ấy đến hôm nay vẫn còn được công chúng ái mộ.
Báo “lá cải”
Tờ nhật báo Trắng Đen (1968 - 1975) là tờ báo “lá cải” điển hình, chuyên khai thác những tin giật gân, những chuyện mê tín hoang đường. Trắng Đen cũng là tờ báo tham gia công tác xã hội hăng say nhất như: Tổ chức cứu trợ đồng bào bị bão lụt miền Trung, quyên góp ủng hộ cô nhi, vận động độc giả đóng góp quỹ học bổng - giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học… Ban biên tập còn tổ chức “Giải Kim Khánh” - nhằm tôn vinh giới nghệ sĩ.
Vào năm 1972, báo Trắng Đen may mắn "vớ" được một sự kiện làm báo giới Sài Gòn lên cơn sốt, đó là chuyện Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Tean Bedol Bokassa tìm đứa con gái lưu lạc giữa đất Sài Gòn. Jean Bedel Bokassa vốn đi lính cho Pháp từ năm 18 tuổi, bởi lúc đó đất nước Trung Phi là thuộc địa của Pháp. Năm 1953, Bokassa bị đưa tới Việt Nam với lon trung sĩ nhất, đóng quân tại khu vực Chánh Hưng Sài Gòn (quận 8 bây giờ). Trong thời gian này, Bokassa quen một cô gái Việt Nam tên Nguyễn Thị Huệ, chung sống như vợ chồng. Sau trận Điện Biên Phủ, Bokassa được giải ngũ, lên tàu trở về Trung Phi. Lúc đó, bà Nguyễn Thị Huệ đã có mang với ông, sắp tới ngày sinh nở. Năm 1968, Bokassa đắc cử Tổng thống, ông trở thành vị Tổng thống thứ hai của nước Cộng hòa Trung Phi độc lập. Đến năm 1972, Tổng thống Bokassa nhờ Bộ Ngoại giao Pháp tìm kiếm giúp ông đứa con rơi đang thất lạc tại Sài Gòn. Nhờ may mắn tiếp cận được nguồn tư liệu khai thác độc quyền, báo Trắng Đen đã tạo nên cơn sốt thông tin suốt thời gian dài. Từ con số xuất bản khoảng 20.000 tờ/ngày, báo Trắng Đen đã tăng lên 30.000 - 40.000 - 50.000 rồi 100.000, con số cao nhất là 200.000 tờ/ngày vào lúc sự kiện lên tới cao trào.
Đầu thập niên 1970, Sài Gòn rộ một tin đồn: Nhờ một ông thầy tướng số tu luyện trên núi Thất Sơn coi Nguyễn Văn Thiệu có “chân mạng Đế Vương” mà lên làm tổng thống. Đó là “chiêm tinh gia - quỷ cốc tiên sinh” Huỳnh Liên. Ông “quỷ cốc tiên sinh” được mời về bóc quẻ ở nhật báo Trắng Đen, phụ trách trang “những con số huyền bí” - bàn về những con “số đề”. Tòa soạn dành riêng nửa trang để “Quỷ cốc tiên sinh” trả lời thư bạn đọc từ các nơi gửi về. Từ những anh phu xe xích lô, những người làm thợ hồ đến những chị mua gánh bán bưng, mấy bà nội trợ…, ở đâu người ta cũng bàn tán những con số đề. Lâu lâu thì cũng trúng, rồi ăn mừng bia bọt, xả giàn được ít hôm. Ai thắng, ai thua ở đâu không biết, song báo Trắng Đen thì cứ tăng số lượng phát hành. Hồi đó, ai cũng đều nhìn nhận rằng, Trắng Đen là một tờ báo “lá cải” - một tờ chuyên khai thác những chuyện hoang đường, yêu tinh ma quỷ, tình tiền tù tội - nhưng lúc nào cũng có số phát hành cao nhất và rất thành công về mặt tài chính trong làng báo Sài Gòn thời ấy.
Kỳ tiếp: Lôi kéo độc giả bằng kiếm hiệp, dâm ô…