Tiểu thuyết Miền hoang, dày 631 trang của ông vừa được NXB Trẻ in và phát hành được coi là bước ngoặt mới từ “nhà truyện ngắn” đến... “nhà tiểu thuyết” trong hành trình sáng tác, khẳng định sự dấn thân không mệt mỏi của ông. Phóng viên TBNH có cuộc trò chuyện với nhà văn về tiểu thuyết mới và nghiệp viết.
Với tiểu thuyết đầu tay Miền hoang, viết về chiến tranh cũng tiêu tốn của ông nhiều tâm huyết. Có người nói đọc thấy ngộp thở vì nhiều chi tiết dữ dội. Vậy qua cuốn sách ông muốn nói điều gì?
Tôi muốn nói đến sự tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh đối với cả hai phía. Đọc Miền hoang, bạn đọc sẽ nhận thấy chiến tranh hiện nguyên hình là “con thú dữ” và sẽ sợ chiến tranh, lìa xa chiến tranh. Đồng thời tôi còn muốn cắt nghĩa: khi con người bị đẩy vào sự khốc liệt, khốn cùng, sự mong manh giữa cái sống và cái chết ở nơi hoang dã thì buộc phải nghĩ cách để tồn tại. Họ phải sống đã, sau đó làm gì mới làm, nhưng để tồn tại trong điều kiện nghiệt ngã thì tất có nguy cơ trở nên hoang dại.
Qua tiểu thuyết, tôi cũng có tham vọng tố cáo sự man rợ, phi nhân tính của chế độ Pol Pot và phần nào có tham vọng cắt nghĩa vấn đề: Tại sao một đất nước có nền văn minh Ăng ko quá rực rỡ như thế, nhưng lại huynh đệ tương tàn trong biển máu và những cánh đồng chết trắng xương với các cách giết người man rợ?
Chiến tranh là một đề tài không mới, khi nhiều người đã từng viết, sẽ trở nên nhàm, hoặc đi theo một lối mòn. Trước đây, các nhà văn thường chỉ viết về một phía thôi. Nhưng đến tiểu thuyết Miền hoang thì cả ta và địch đều gói vào trong cùng một không gian. Ông định có thông điệp gì ở đây?
Tôi đặt cả phía bên mình và phía bên kia vào cùng không gian thì kịch tính đối kháng dữ dằn hơn. Nói một cách hình ảnh thì giống như nhồi các con thú dữ vào chung một chuồng ấy, hay bỏ bát vào rổ rồi... xóc. Trong không gian hoang dã, đói khát, lê lết với những xung đột về văn hóa, chọi nhau về tính cách, cá tính, và luôn chờ cơ hội thanh toán nhau để tồn tại thì con người dễ bộc lộ bản ngã “con” cũng như bản chất “người” hơn.
Câu chuyện xoay quanh bốn nhân vật chính: anh Tùng, lính tình nguyện Việt Nam, Trung đoàn trưởng Lục Thum, ba là người lính Pol Pot áo đen, và thứ tư là cô y tá câm người Khmer xinh đẹp. Họ buộc phải ứng xử thế nào để tồn tại?
Sau trận đánh, người lính tình nguyện Việt Nam bị bắt làm tù binh để khiêng tên Lục Thum - Trung đoàn trưởng bị thương dập nát chân. Trên đường rút về căn cứ của tàn quân Pol Pot, họ bị mất la bàn, bản đồ quân sự, hoàn cảnh đói khát trong rừng nhiệt đới mùa khô, thú dữ cũng đói khát như: con hổ què, bầy sói, đàn kền kền... rình rập đã đẩy bốn con người ở hai phía cuộc chiến buộc phải nương tựa vào nhau để tồn tại.
Cô y tá câm để chữa trị, chăm sóc sức khỏe, làm cho ba gã đàn ông có thêm sức sống. Tên lính áo đen để trinh sát, bảo vệ, kiếm cái ăn nước uống. Anh lính tình nguyện để cõng, khiêng tên chỉ huy địch bị thương. Gã Trung đoàn trưởng tàn quân áo đen dù bị thương không đi nổi cũng không thể bỏ lại vì chỉ có gã mới có khả năng tìm lối, kiếm đường thoát khỏi rừng hoang. Chỉ cần thiếu một thành viên thì cả nhóm sẽ khó khăn, nguy cơ chết đói chết khát hoặc làm mồi cho thú dữ.
Trong “Miền hoang”, có khá nhiều đoạn văn khá lãng mạn. Điều gì đã khiến ông ở tuổi tri thiên mệnh mà vẫn trẻ trung, tươi tắn như thế?
Có người bảo: “Trong một ông già, lúc nào cũng có một chàng thanh niên”. Tôi nghĩ, điều này đúng cho mọi người đàn ông. Chỉ có điều, người ta có ham sống để cho cái “chàng thanh niên” ấy trỗi dậy trong con người mình không, hay sống thụ động, chấp nhận “chưa năm mươi đã kêu già” trong mọi công việc. Các cụ ngày xưa bảo: “Văn là người”. Trong ý nghĩ, tình cảm già cỗi thì sáng tác sẽ cũ mòn, không thăng hoa, tươi rói, vụt sáng được.
Hơn nữa, về mặt thủ pháp nghề thì cần phải có những “chiếu nghỉ cầu thang” trong một ngôi nhà cao. Tiểu thuyết mà chi tiết dữ dội, khốc liệt suốt từ đầu đến cuối thì đọc rất mệt. Vỡ đầu. Nên rất cần có “dòng suối mát trong” như những cảnh yêu nhau, va chạm khác giới... Vả lại, con người là thế, cuộc sống như thế. Một cô gái câm người Khmer xinh đẹp ở giữa bầy đàn ông trẻ trai đi trong rừng rú hoang dã mà không có những thèm khát, thích thú khác giới mới là... chuyện lạ.
Ở những tác phẩm trước đây của Nhà văn Sương Nguyệt Minh như Đêm làng Trọng Nhân (1998), Người ở bến sông Châu (2001), Mười ba bến nước (2005), Dị hương (2009)… ít hay nhiều đều nói đến nỗi bất hạnh của kiếp người. Còn ở tiểu thuyết này thì sao ạ?
Cũng vẫn cảm hứng về thân phận con người trong chiến tranh, đặc biệt là thân phận người phụ nữ trong trận mạc. Trong Miền hoang, ngay cả người lính Pol Pot cũng có thân phận thê thảm, khi đám tàn quân này đã đi qua chiến tranh, đã ra khỏi cuộc tìm lối loanh quanh, lạc rừng, rồi thoát khỏi miền hoang dã cũng rã rời, tã tượi và... rất đáng thương. Còn cô y tá câm người Khmer thì cũng dật dờ, vác cái bụng to chẳng biết của ai, thân phận cũng tan nát.
Ông nghĩ sao, khi có bạn đọc phản ánh trong Miền hoang, ông hơi lạm dụng các câu chửi bậy, đánh dấu hoa thị để thể hiện là viết tắt. Đó có thể là ông cố tình để phơi bày sự… hoang dại?
Nhân vật tên lính áo đen là một kẻ vô học, thô lỗ, cục cằn, đen tối... nó chửi bậy và nói tục là chuyện đương nhiên, là thuộc tính. Vả lại, bị đẩy đến tận cùng hoang dại, ở quá xa loài người văn minh, lại bức xúc, chán nản, tuyệt vọng... còn gì phải giữ gìn nữa. Tôi nghĩ nhân vật của tôi như thế là phù hợp với tính cách và hoàn cảnh.
Xét đến cùng, các nhà văn vẫn phải dùng chất liệu chiến tranh trong quá khứ để phác họa chân dung người lính. Ông có nhận định gì về đề tài “người lính hôm nay”?
Hầu như không có gì. Vẫn chưa hình thành nổi “Văn học người lính hôm nay” như một dòng sông hoặc dòng suối. Viết về người lính hôm nay cực khó. Cái điều thách đố này không chỉ đối với các nhà văn trẻ mà với cả các nhà văn thế hệ tôi trở về trước.
Hải Miên thực hiện |