Tháng 5 vừa qua, bộ phim Tôtem Sói được trình chiếu tại Trung Quốc và đã thành công rực rỡ khiến một lần nữa độc giả trở lại với bản văn học để có dịp so sánh giữa văn học và điện ảnh. Tôi cũng muốn đọc lại Tôtem Sói của tác giả Khương Nhung, một cuốn tiểu thuyết lớn của Trung Quốc có được sau những năm dài đổi mới toàn diện.
Đọc E-paper
Những diễn biến phức tạp trên Biển Đông do Trung Quốc gây nên, những động thái của Mỹ tại khu vực này, và cuộc đấu khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc làm tôi cảm thấy như có điều gì thôi thúc đọc lại tiểu thuyết Tôtem Sói. Cuốn sách chắc chắn ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người Trung Quốc về mặt triết học, và người Việt Nam cũng đã từng vô cùng quan tâm khi nó được in vào năm 2004.
Tôtem Sói do tác giả Khương Nhung chuẩn bị trong 20 năm và viết trong 6 năm. Cuốn sách dày 400 trang, không có những cô gái đẹp, không có mối tình nóng bỏng nào được mô tả. Người đọc được dẫn đi trong một mê lộ khai quật về đàn sói hoang Mông Cổ, như đi về một thảo nguyên Mông Cổ.
Đọc Tôtem Sói như được thưởng thức một món ăn tinh thần vô tận, bởi nó vô cùng phong phú và không thể tái hiện, vì những đoàn thiết kỵ Mông Cổ và sói Mông Cổ tự do tung hoành trên thảo nguyên đang hoặc đã biến mất. Tất cả những truyền thuyết, những câu chuyện về sói đang mất dần trong ký ức, chỉ còn lưu lại các thế hệ sau những ký hiệu ngôn ngữ của lời nguyền rủa và chửi bới cay độc.
Sói là thần chiến tranh và là tấm gương sáng của người thảo nguyên. Người đọc mê mẩn với tinh thần đồng đội và trách nhiệm đối với dòng họ của sói, trí tuệ của sói, tính cách ngoan cường và nghiêm cẩn của sói, công việc huấn luyện đội thiết kỵ và bảo vệ môi trường thảo nguyên của sói, sự sùng bái tột đỉnh của dân thảo nguyên đối với sói, nghi thức thiên táng thần bí cổ xưa của người Mông Cổ.
Chưa hết, tiếng hú của sói, tai sói, mắt sói, thức ăn của sói, khói sói, cờ sói... hàng nghìn chi tiết liên quan đến sói đều làm cho tác giả mê mẩn, rồi quyết định bỏ ra hơn 30 năm nghiên cứu và suy ngẫm để viết một trường thiên tiểu thuyết về quan hệ giữa con người và thiên nhiên, nhân tính và sói tính, đạo của sói và đạo của Trời.
Ngày nay, giữa lúc Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình xã hội, tính cách quốc dân hình thành từ nền văn minh nông canh đang níu chân người ta tiến tới, học giả Khương Nhung đã đánh dấu son lên tác phẩm đồ sộ mà ông tâm huyết cả nửa cuộc đời, để rồi hoàn thành sứ mạng khẳng định tôtem sói của người Hoa Hạ, trở thành người đúc kết chân lý về sự hùng mạnh của giống nòi người Trung Quốc phải trở lại với ngày xưa.
Xin đừng đọc Tôtem Sói dưới con mắt phê phán về tinh thần của tác giả khi khai quật tư tưởng xây dựng một đất nước dưới những triết lý sống dựa vào nhau của thiên nhiên hoang dã và bầy sói hoang vừa man rợ, độc ác, vừa tinh khôn, quỷ quyệt, vừa kỷ luật, dũng cảm để quy kết tác giả đang đưa người đọc đi đến kết luận xây dựng một dân tộc trên các tiêu chuẩn "lang sói". Cuốn sách có tư tưởng cao hơn thế, nó cho chúng ta bài học về sự học tập thiên nhiên, lựa chọn những tinh túy của thiên nhiên để giữ cho giống nòi sự khỏe mạnh, cường tráng, thông minh.
Tôi cảm nhận được điều đó khi tác giả tự vấn dân tộc ông đang rời bỏ thức ăn làm cho con người phát triển khỏe mạnh, có tâm hồn mạnh mẽ, tinh thần chiến đấu. Một đất nước đã trở nên yếu đuối khi có quan điểm sống sai lầm. Khương Nhung thông qua đàn sói đã mô tả vấn đề phát triển, tồn tại của một dân tộc. Ông làm độc giả mê mẩn với những trang viết nghiên cứu về đời sống bí ẩn của bầy sói trên thảo nguyên, biểu tượng một thời của dân tộc Hoa Hạ trên thảo nguyên Mông Cổ và đất đai Trung Hoa rộng lớn.
Và tác giả đặt một câu hỏi đầy ẩn ý: Liệu Trung Hoa bây giờ có còn giữ được tinh thần tôtem sói, với vài chục vạn kỵ binh quân Nguyên làm châu Âu và Trung Hoa ngả rạp dưới gót ngựa Mông Cổ.
Một cuốn sách đáng để đọc, một triết lý phát triển vẫn đáng để quan tâm. Nó có thể là cuốn sách quan trọng thúc đẩy con người sống mạnh mẽ.
> Lớp học làm phim Toto
> Nữ đạo diễn gốc Việt làm phim cùng sao Hollywood
> DreamWorks sẽ làm phim về ông chủ của WikiLeaks
> Làm phim để chế ngự nỗi sợ hãi
PHAN HÒA BÌNH