Đặc biệt, năm 2009, Di Li dấn thân vào dòng văn học trinh thám với tiểu thuyết Trại hoa đỏ, tạo nên một hiện tượng thu hút đông đảo bạn đọc trẻ. Di Li vừa hoàn thành 750 trang cuốn tiểu thuyết trinh thám thứ hai với tên gọi Câu lạc bộ số 7, chuẩn bị ra mắt bạn đọc.
* Chị đã mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này?
- Bảy năm, tính từ khi tôi khởi động cuốn tiểu thuyết này năm 2009. Vì nhiều lý do mà nó bị gián đoạn, như phải ưu tiên cho mục tiêu ngắn hạn, mưu sinh, cho những giai đoạn lắng lại khi tôi cần sống chậm và chiêm nghiệm...
* Trại hoa đỏ thu hút được bạn đọc trẻ, tôi thắc mắc vì sao một nhà văn nữ lại chọn dòng trinh thám để trải nghiệm?
- Tôi nghĩ nó cũng tự nhiên thôi. Từ thuở bé tôi đã quen nhìn mọi thứ với những liên tưởng kỳ bí. Một căn phòng khách sạn với nhiều người thì không có gì đáng quan tâm nhưng với tôi, nó đặt ra nhiều câu hỏi: đã có ai từng qua đây, số phận họ thế nào? Căn phòng này đã lưu giữ những câu chuyện gì bí mật?...
Tôi cũng thuộc diện mẫn cảm, khó ngủ, dễ bị đánh thức, khổ vì giác quan nhạy bén và trực giác đôi khi mạnh mẽ quá... Vì thế, khi ngồi trước trang giấy, những gương mặt, những con đường, những câu chuyện... đều dễ theo liên tưởng này mà phát triển thành những cốt truyện bất ngờ, ly kỳ kiểu trinh thám, kinh dị (cười).
* Vậy cuốn tiểu thuyết trinh thám thứ hai Câu lạc bộ số 7 sẽ dẫn dắt độc giả vào cuộc phiêu lưu nào? Ngoài tính giải trí vốn có của thể loại, còn điều gì có thể đọng lại nơi người đọc?
- Cuốn tiểu thuyết này tiếp tục những bước đi của cảnh sát hình sự Phan Đăng Bách đã xuất hiện từ tiểu thuyết Trại hoa đỏ, nhưng vụ án xảy ra xoay quanh nhân vật một thiếu gia... Tôi nghĩ, một cuốn sách trước hết cần hấp dẫn để mang lại cho độc giả những phút giải trí lành mạnh. Tiểu thuyết trinh thám nên được xem như một cuộc chơi, ở đó, độc giả phải động não, không ngừng phán đoán, bị bất ngờ với vô số tình huống và những nút thắt-mở...
Đương nhiên, đây không phải là sự tập hợp những tin tức vụ án mà độc giả thấy khắp nơi trên báo chí, mà mỗi câu chuyện cũng đồng thời lý giải về cuộc sống, con người, trong đó thuyết nhân - quả là tư tưởng xâu chuỗi toàn bộ tác phẩm.
* Để viết hơn 700 trang sách, hẳn chị đã phải xử lý một lượng tư liệu chuyên môn không nhỏ?
- Quả là có quá nhiều kiến thức chuyên ngành mà nếu muốn viết một cách thuyết phục, tôi không có cách nào khác là phải đọc, tham khảo ý kiến chuyên gia. Nào là kiến thức về tội phạm học, tâm lý học, giám định pháp y, luật hình sự... Có khi vấp phải một từ mà phải tra cứu, cân nhắc cả tháng. Nói chung, nếu không vì sự thôi thúc phải biết để viết cho tường tận, có lẽ bình thường tôi cũng chả đọc nổi những tài liệu chuyên ngành như vậy...
* Nhiều đạo diễn thực hiện xong một bộ phim, có khi sau đó cả tháng, cả năm vẫn cứ lâng lâng sống trong không gian ám ảnh của tác phẩm. Chị có nỗi ám ảnh ấy không, khi viết xong cuốn này?
- Tôi đã hoàn thiện xong là đóng lại, thôi không nghĩ về nó nữa, nhưng lúc viết thì quả là ám ảnh. Bao giờ cũng thế, viết là lúc mình sống cùng nhân vật, đến mức có thể ngửi thấy mùi ẩm mốc trong căn phòng, cảm thấy được hơi ẩm rêu phong nơi nhân vật đi qua...Thế nên, lúc ấy một tiếng động thôi cũng làm tôi giật nẩy mình.
* Ngoài tiểu thuyết trinh thám ra, hình như chị cũng còn một số đầu sách sắp xuất bản, đang hoàn thiện? Chị sắp xếp thời gian thế nào để có thể viết đều và bền bỉ như vậy?
- À vâng, tôi có tản văn Gã tây kia sao lấy được vợ Việt, bút ký Phượt ở Santorini sắp xuất bản và cũng đang hoàn thành cuốn sách kỹ năng PR cho tình yêu. Tôi dành cả buổi sáng cho việc viết, trừ khi tham gia giảng dạy hoặc có công việc đột xuất...
* Hình như Di Li là nhà văn hiếm hoi không “chơi” facebook?
- Tôi không dùng facebook vì thấy nó mất thời gian. Những gì cần nói thì tôi nói thẳng, hoặc nói qua trang sách... Tất nhiên facebook cũng có những ưu thế khi cần chia sẻ, lan tỏa, quảng bá... Nhưng có lẽ tại mình không thấy thích hợp với nó chăng. Phần lớn thời gian tôi muốn dành cho việc viết như một người sáng tác chuyên nghiệp.
* Sự chuyên nghiệp được hiểu thế nào theo quan điểm của chị?
- Tôi nghĩ trước hết là thái độ say mê, nghiêm túc với nghề. Chuyên nghiệp cũng có nghĩa là hạn chế tối đa sai sót. Viết không phải lúc nào cũng có thể hay nhưng đừng viết dở, dễ dãi. Tôi đã từng bị cuốn hút bởi tinh thần làm việc tuyệt vời của một anh chàng phục vụ bàn ở một quán ăn tại Hy Lạp. Anh ta làm việc một cách nhẹ nhàng, đầy niềm vui và lan tỏa tinh thần say mê công việc đến với tất cả khách hàng. Viết cũng thế thôi, hãy cứ làm một cách bền bỉ, đừng mong chờ có hứng rồi mới ngồi vào bàn viết.
* Xin cảm ơn chị!
CAO BẢO HÂN