Vũ Trọng Phụng – Cây bút phóng sự lừng danh, nhà văn tiền chiến xuất sắc

17:19:00 19/10/2014

(Congluan.vn) - Trong số các nhà văn tiền chiến tài danh, Vũ Trọng Phụng không chỉ có cuộc đời gian khổ, éo le mà ngay cả các sáng tác của ông, những văn phẩm quan trọng góp phần làm nên diện mạo nền văn học Việt Nam hiện đại trước Cách mạng tháng Tám cũng chịu nhiều chìm nổi...

>>> Tiểu luận phê bình: Nguyễn Tuân – Nhà văn của hình dung từ
>>> Bút ký: Lê Lựu như tôi biết
Nhà văn Vũ Trọng Phụng
Thế nhưng bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc cùng thời luôn bị khuất phục bởi tài năng viết phóng sự ngay trên đất Hà Thành của họ Vũ.
1. Hiếm có một người nào với vẻ ngoài nhút nhát và cuộc sống chỉn chu như Vũ Trọng Phụng lại vang danh với thể loại phóng sự. Có thể nói, các tác phẩm nổi tiếng như: Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Lục xì... đã lột tả trần trụi bộ mặt xã hội đương thời và qua đó khẳng định ngòi bút tài năng, sắc sảo của ông. Trải những gian nan, thăng trầm từ tác phẩm và thân phận của chúng, hôm nay, chúng ta đang dần nhìn nhận, đánh giá về ông, dù ở góc độ tình cảm hay thuần túy học thuật, dù về đạo đức, lối sống, thái độ trước thời cuộc hay những đóng góp về văn chương nghệ thuật, báo chí đều thấy nổi lên ở Vũ Trọng Phụng bản lĩnh nghệ thuật dày dặn của một tài năng lớn. Thật tiếc rằng, do làm việc quá sức, ông mắc bệnh trọng nên sớm ra đi. Và điều đó đã để lại một khoảng trống sáng tạo, một phong cách mà theo người viết, cho đến hôm nay chưa có ai thay thế được. Nó khiến chúng ta, những người cầm bút càng nhớ tiếc ông, một cây phóng sự lừng danh, một nhà văn tiền chiến xuất sắc.
Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912 và mất 1939 khi chỉ mới 27 tuổi. Cha ông là Vũ Văn Lân làm Chánh quán làng Hảo, thị trấn Bần, huyện Mỹ Hào (nay là huyện Văn Lâm) tỉnh Hưng Yên. Bảy tháng tuổi, Vũ Trọng Phụng đã mồ côi bố. Mẹ ông quê gốc Hà Đông, khi đó mới 24 tuổi đã ở vậy nuôi con. Có lẽ do sớm côi cút, lớn lên lại phải chịu cảnh cơ cực nên người thanh niên Vũ Trọng Phụng vô cùng nhạy cảm trước xã hội biến động, đặc biệt là tầng lớp dưới đáy xã hội.

Năm 18 tuổi, Vũ Trọng Phụng làm thư ký tại nhà Gô-đa, sau bị đuổi việc, ông xin vào làm nhân viên đánh máy Nhà in Viễn Đông và bắt đầu cầm bút từ đó. Từ năm 1930 đến lúc mất, ông cộng tác với nhiều báo: Nhật tân, Ngọ báo, Hải Phòng tuần báo, Phụ nữ thời đàm, Loa, Tân thiếu niên, Tiểu thuyết thứ bảy, Tiểu thuyết thứ năm, Công dân, Tương lai, Hà Nội báo, Đông Dương tạp chí, Tao đàn… Có thể thấy ông cộng tác với hầu hết những tờ báo hàng đầu lúc bấy giờ và cũng chính những phóng sự đầy thân phận về con người của ông đã góp phần làm nên thương hiệu những tờ báo lớn ấy.
Năm 1938, ông lập gia đình với cô gái Vũ Mỹ Lương làm nghề buôn bán nhỏ. Cuối năm, hai người có một cô con gái và chỉ một năm sau, Vũ Trọng Phụng mất do bị bệnh lao. Vậy là đến lượt con gái của ông lại mồ côi bố khi mới được một tuổi. Điều đó như là một định mệnh lạ lùng!
2. Trong khoảng mười năm cầm bút sáng tạo (1929-1939), Vũ Trọng Phụng để lại cho văn học Việt Nam 66 tác phẩm với các thể loại: Truyện ngắn (40), Tiểu thuyết (9) - trong đó có Tiểu thuyết thuộc dạng di cảo: Người tù được tha và Quý phái in dang dở trên Đông Dương tạp chí, Phóng sự (9), Kịch (7), Dịch thuật (1) - đó là tập Giết mẹ (1936) - nguyên bản Lucrèce Borgia của Victo Hugo. Về dịch thuật của nhà văn Vũ Trọng Phụng thì gần như chưa được nhắc đến, trừ trong những trang tiểu sử về ông.
Thiên phóng sự đầu tiên viết về cờ gian bạc lận có tên: Cạm bẫy người in đầu những năm ba mươi, ngay lập tức sớm khẳng định một lối viết hoàn toàn mới mang thương hiệu Vũ Trọng Phụng. Tiếp đó là các tác phẩm: Không một tiếng vang, Kỹ nghệ lấy Tây, Dứt tình... càng khẳng định sức căng, độ nhạy bén và đặc biệt là lối hành văn sắc sảo, hài hước, vô cùng hiện đại và hiện thực của Vũ Trọng Phụng. Kể từ đây, một ngòi bút vừa xuất hiện đã gây chấn động làng báo, làng văn nước Việt trước cách mạng tháng Tám. Giới cầm bút thời ấy tấn phong Vũ Trọng Phụng là “ông vua phóng sự Bắc Kỳ” khi ông mới ở độ tuổi đôi mươi.
Ngoài những phóng sự thành công ngay ở buổi đầu cầm bút, ông còn viết ra 40 truyện ngắn như: Một cái chết, Bà lão lòa, Thủ đoạn, Cô Mai thưởng xuân, Phép ông láng giềng, Bẫy tình, Chống nạng lên đường, Điên, Cái tin vặt, Nhân quả, Tội người cô (1931), Con người điêu trá (1932), Cuộc vui ít có (1933), Bụng trẻ con, Duyên không đi lại, Bệnh lao, Sao mày không vỡ, Sướng thế mà lo, Ông đừng lầm, Cái hàng rào, Tình là dây oan (1934)… Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có sự nổi trội của mảng tiểu thuyết và phóng sự mà chúng ta chưa tìm hiểu thấu đáo mảng truyện ngắn không kém phần đặc sắc của Vũ Trọng Phụng. Điều này đang được một số nhà nghiên cứu phê bình văn học lưu tâm.
Bước sang những năm 1935 đến 1938, hàng loạt những phóng sự đã đạt độ chín của ngòi bút tài năng ra đời mà hôm nay, chúng ta đọc vẫn còn thấy mới. Đó là: Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Làm đĩ và các tiểu thuyết vào loại điển hình của nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ với tinh thần chiến đấu sâu sắc, với khả năng đào sâu mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là cách viết hiện thực, hiện đại trong một bối cảnh xã hội hết sức rối ren đã cho thấy ở Vũ Trọng Phụng có sự tuyên chiến với cái xấu, cái ác, ý thức công dân, ý thức dân tộc được ngòi bút nhà văn xây dựng, đề cao, chuyên sâu cũng là am tường tất yếu sự bùng nổ của cuộc Cách mạng tháng Tám lật đổ chế độ thối nát liền sau đó. Đó chắc chắn là một dự báo xã hội nhạy bén chỉ có thể có ở những ngòi bút tài năng và tâm huyết.
Do những hoàn cảnh khác nhau, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, đặc biệt là kiệt tác Số đỏ cho đến hôm nay, không ít lúc chúng ta chưa có một đánh giá, nhìn nhận công tâm với những sáng tạo ấy. Nhìn xuyên suốt các sáng tác của Vũ Trọng Phụng thấy rõ một điều rằng, tâm trí ông, nguyện vọng của ông luôn hướng về cái mới, cái đẹp và sự trong sạch. Nhiều suy nghĩ, nhiều ý tưởng của ông đang e ấp, đang hé mở, đang nở rộ là cái nền tảng để hướng về cách mạng. Vũ Trọng Phụng căm hờn, phỉ báng sự giảo quyệt, đê tiện, bẩn thỉu, thối nát của một xã hội cũ cũng đồng nghĩa với sự tất yếu phải xây dựng một xã hội mới của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hiếm thấy một nhà văn nào yêu mến nhân dân, yêu mến người lao động và trân trọng họ theo một cách riêng, nhân bản và hiệu quả như Vũ Trọng Phụng.
Cái sự yêu quý người lao động, dù họ là gái điếm, lưu manh, trộm cắp vẫn luôn được Vũ Trọng Phụng nâng lên thành điển hình văn học độc đáo, nếu không muốn nói là “độc nhất vô nhị”. Trong toàn bộ các sáng tác của ông, đến hôm nay đã tìm được, chúng ta đều thấy rất rõ ý thức bênh vực người lao động của ngòi bút nhà văn và sự vạch trần đến bản chất của cái xấu, cái ác cùng với một thái độ lao động của nhà văn hiếm thấy trong từng con chữ.
Các sáng tác của Vũ Trọng Phụng ở vẻ bề ngoài thì vô cùng uyển chuyển nhưng ở bên trong như ẩn tàng những lưỡi kiếm. Hàng chục, hàng trăm đường kiếm hiểm khuấy sâu vào các ung nhọt của chế độ đương thời. Tất cả những gì chế độ thối nát đương thời gọi là đẹp đẽ, đạo đức, tự do, tiến bộ, văn hóa, giải phóng, văn minh đã bị lưỡi kiếm văn chương Vũ Trọng Phụng bóc mẽ, chỉ mặt thẳng thừng bằng những hình thù xương thịt như Nghị Hách, Tổng đốc, Tri huyện, những Tuyết, Loan, Phó Đoan, Văn Minh… đại biểu của giới cầm quyền đã bị phơi ra, cận cảnh những lố lăng, lừa bịp, đóng đinh trên từng trang sách, đưa ra ánh sáng mà kết án, chế diễu vô cùng sinh động. Đây cũng chính là điểm mạnh tiêu biểu và xuyên suốt của ngòi bút trào phúng Vũ Trọng Phụng, một điểm mạnh mà đúng ra chúng ta đã phải vinh danh cho ông từ rất lâu rồi.
3. Có một điều rất kỳ lạ mà đến hôm nay tôi chưa nghĩ ra, đó là tại sao khi Vũ Trọng Phụng sống ngay trong lòng xã hội ấy, làm việc và nhận lương từ chính xã hội ấy, vậy mà ông lại bất chấp hiểm nguy, vạch mặt chỉ tên không thương tiếc những thối nát, ung nhọt của xã hội ấy ngay trên các diễn dàn của chính xã hội ấy. Càng thắc mắc, tôi càng thấy khó hiểu và thấy mình cùng không ít người cầm bút hôm nay đã tự làm nhỏ bé mình, tự hèn nhát trước những gì lẽ ra không được hèn nhát, tự đầu hàng trước những gì lẽ ra không được đầu hàng. Và khi ấy, ta mới cay đắng nhận ra sự thiếu vắng những tài năng tầm cỡ như ông, như Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng… mà nền văn học của chúng ta hiện nay đang vô cùng cần đến. Cũng cần thấy thêm một điều, Vũ Trọng Phụng ngày càng mới và ngày càng thiết thực xiết bao trong đời sống văn học hôm nay.
Suy nghĩ hay đúng hơn là một sự thán phục về Vũ Trọng Phụng, đó là ở vào các sáng tác sung sức nhất thì ông luôn dành toàn bộ tâm huyết và sức lực của mình cho người lao động, những người lầm than, bần cùng về vật chất hoặc tinh thần. Ông xa lánh những tranh biện học thuật như nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh đang rất sôi nổi lúc bấy giờ. Theo tôi, đó là một thái độ, một nhân cách, một lối ứng xử chỉ có ở những tài năng lớn của văn chương báo chí.
Có thể khẳng định, Vũ Trọng Phụng là nhà văn tiền chiến thành công ở nhiều thể loại văn học và báo chí: Phóng sự, Tiểu thuyết, Truyện ngắn, Kịch, Chính luận, Thời đàm… mà sau này, dường như ít nhà văn nào có ngòi bút phong phú như ông.
Trong các nhà văn nhà thơ vang danh thời tiền chiến như Nam Cao, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyên Hồng… và liền sau đó là xây dựng nền văn nghệ cách mạng thì nhà văn Vũ Trọng Phụng có đóng góp ở vị trí hàng đầu.
Khi tôi bắt đầu viết những dòng này thì không ít những luận văn của sinh viên các trường Đại học, Luận án thạc sĩ, tiến sĩ đã, đang và sẽ còn chọn đề tài từ các tác phẩm xuất sắc của ông để nghiên cứu; nhiều tác phẩm, đặc biệt là các tiểu thuyết: Số đỏ, Vỡ đê, Giông tố, Làm đĩ… của Vũ Trọng Phụng cũng đã, đang và sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã được đặt tên đường ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có thể thấy, thời gian rất công tâm với những đóng góp của các nhà văn lớn trong nền văn học cách mạng.
Phùng Văn Khai

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1