Trị trẻ lười học: Đừng nhắc con làm bài tập về nhà mỗi ngày
Người 'mẹ' đặc biệt của 13 học sinh khuyết tật
Cứ tối đến, chị Nguyễn Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) lại phải hò hét hai đứa con đang học lớp 6 và lớp 2 ngồi vào bàn học. Không hẳn là các con của chị Hà lười, trốn tránh nhiệm vụ mà chỉ là mải chơi quên mất thời gian. Thông thường, sau khi ăn xong và hết chương trình thời sự buổi tối, khoảng 8h các bé sẽ phải lôi sách vở ra làm bài tập. Thế nhưng, hôm nào các con chị cũng tìm cớ để trì hoãn đến 15-20 phút nên có hôm nhiều bài tập là phải cuống cuồng giải quyết cho xong. Chị Hà chỉ biết thở dài trêu đùa: "Đúng cái gen ham chơi của mẹ".
"Bệnh" lười học phải kể đến trường hợp của con chị Hồng Thu (Đống Đa, Hà Nội). Bé Đức Dương nhà chị đang học lớp 5 nhưng mấy năm qua chị Thu đều đau đầu về học lực của con. Do công việc nhiều nên anh chị hay về muộn, con đi học về sẽ được bà giúp việc nấu cơm cho ăn rồi gia sư đến 'thúc ép'. Tuy nhiên, mấy năm con học cấp 1, chị thay không biết bao nhiêu gia sư. Có người nản chí không thể trụ lại được vì cậu bé chậm tiếp thu, còn có người chị bắt gặp đang chép bài cho con...
Đau đầu vì con lười học (Ảnh minh họa)
Những lúc không có ai hướng dẫn, chị Thu làm về vội vàng lên dạy con học nhưng ngày nào hai mẹ con cũng như đánh vật với nhau. Chỉ cần kèm con hơn nửa tiếng là bắt đầu tiếng mẹ quát tháo, đập bàn, đập sách, con thì khóc thút thít. Không những thế, học vài phút bé Dương hết xin đi uống nước, lại đi vệ sinh, vươn vai kêu mỏi tay. Mấy đồng nghiệp ở cơ quan khoe thành tích của con rồi quay sang hỏi tình hình bé Đức Dương mà chị... muối cả mặt.
Theo TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội), những kiến thức trên lớp không tối quan trọng đến mức độ phải chiến đấu tướt mồ hôi với con vài giờ một ngày. Nhưng làm sao trẻ có thể học hành nghiêm túc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, có chút chí tiến thủ, hào hứng học hỏi, tìm hiểu thì cha mẹ cũng cần phải có cách riêng.
Tạo niềm vui học tập cho con ở nhà là vô cùng cần thiết. Việc học tập phải là niềm vui thì trẻ mới hào hứng được. Vì thế, mỗi góc học tập sẽ được thiết kế sao cho thật hữu hiệu. Con có thể có 1 cuốn sổ trắng, trên đó sẽ dán những bông hoa mà con cắt sẵn, đằng sau ghi số bài tập. Cứ xong 1 bài tập con dán vào đó 1 bông hoa.
Sau vài lần dán, không hứng thú với trò này nữa, con có thể chơi trò khác. Ví dụ như con có thể viết số bài đã hoàn thành vào trang trắng rồi vẽ hoa hoặc trang trí theo cách con thích cho đẹp. Mẹ nên đặt làm 1 con dấu: hoàn thành bài, hoàn thành xuất sắc bài tập, con thật đáng khen…. Rồi lâu lâu kiểm tra. Con học xong thì mẹ đóng dấu vào quyển sổ đó để đánh dấu. Con sẽ vô cùng thích thú với công việc này.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần tạo hứng thú tìm kiếm thông tin qua các trang sách: Các cha mẹ đừng ỷ lại vào mạng internet, có quá nhiều cám dỗ và thông tin lệch lạc. Hãy tạo niềm vui tìm hiểu cho con ở hiệu sách và thư viện. Hướng dẫn con tìm hiểu thêm bài học trong sách dựa vào các chủ đề đang học. Ví dụ con hỏi mẹ: 'Mẹ ơi trái đất có bao nhiêu vệ tinh hả mẹ?' Sau khi trả lời con là chỉ có 1 là mặt trăng, mẹ có thể đưa con đến hiệu sách, tới quầy sách khoa học và yêu cầu con tìm sách về vũ trụ. Khi con mở sách ra tìm hiểu được thêm thông tin về những gì con đang học, chắc chắn con sẽ hào hứng vô cùng.
Cha mẹ cũng nên để con áp dụng các kiến thức đã học vào thực tế. Vô khối bài học có thể áp dụng ngay vào thực tế. Ví dụ cha mẹ có thể cho con tập trồng cây, hoặc mua cây rau về cho con phân tích: thân, rễ, lá… Cha mẹ cũng có thể mua cho con 1 vài con vật nhỏ xíu để con mổ ra phân tích như: con ngao, con sò, …. Cha mẹ cũng nên nhờ con tính toán số liệu cho công việc của mình như nhầm tính giúp mẹ tiền rau, tiền chợ. Những cha mẹ làm kế toán có thể vừa làm vừa hỏi con, hoặc cả 2 cùng chúi mũi làm. Những việc này sẽ tập cho con nhiều thói quen áp dụng các kiến thức đang học vào thực tế cuộc sống.
Tiến sĩ Hương chia sẻ thêm, nên tập cho con thói quen lưu trữ những sản phẩm học tập của mình. Một tập vở có nhiều bài viết ngay ngắn, các phép toán chính xác được cô giáo phê nhiều lời khen ngợi nếu được lưu trữ lại sẽ để lại cho con những dấu ấn thời gian tuyệt vời, những món đồ lưu niệm vô giá. Các sản phẩm thủ công vụng về do tự tay con làm sẽ khiến con bật cười khi lớn lên mở ra. Lâu lâu cha mẹ chụp ảnh một bài kiểm tra của con và đem đi in ra rồi trang trọng treo lên tường cũng sẽ làm con thật sự thích thú.
Cha mẹ cần tạo động lực cho con học tập.
Luôn luôn nhắc nhở con: việc học là việc của con. Khi nhận thức rõ được việc này, con sẽ làm thật sự tốt. Học là quyền lợi, nếu con sao nhãng hoặc lười biếng, cha mẹ có thể phạt. Hình phạt lớn nhất có thể là tước đi niềm vui học tập. Một ngày nghỉ ở nhà, làm việc nhà quần quật, không được đến lớp học, nhìn bạn bè đi học với ánh mắt khao khát sẽ khiến con hiểu thêm quyền lợi của mình.
Đặc biệt, Khi ai đó hỏi han việc học của con, cha mẹ tránh chê bai, nói xấu. Nếu con học chưa thực sự tốt, cha mẹ có thể nói khéo: 'Cháu nó rất cố gắng'. Con nghe được sẽ hiểu thành ý của cha mẹ.
Cuối cùng, tiến sĩ Hương nhắc nhở, các cha mẹ cũng cần yêu cầu con tìm hiểu về người bạn với các thông tin như: Bạn có em không? Mẹ bạn tên là gì? Bố bạn làm ở đâu? Nhà bạn ở đâu? Nhà bạn có mấy con chó, con mèo?.... Các bạn chăm học thường sẽ có tác động rất tốt đến tính lười biếng của con. Một chút ganh đua, một ánh mắt hơi tỏ vẻ coi thường của bạn bè sẽ khiến con động lòng tự ái mà học nhiệt tình hơn là lời mắng mỏ thúc giục của cha mẹ.