Bản sắc văn hóa trong tản văn thời đổi mới và hội nhập

10:31:00 13/03/2015
QĐND - Những năm đầu của thế kỷ 21 trong đời sống văn học Việt Nam, tản văn đã chiếm được thiện cảm của đông đảo người đọc. Mặc cho thiên kiến: Tản văn là thể văn dễ đọc nhưng không dễ viết, như thể thơ lục bát dễ viết nhưng khó hay. Nhiều nhà văn Việt Nam đã thành danh trên các thể loại thơ, tiểu thuyết hay truyện ngắn vẫn không ngại ngần tìm đến tản văn. Hầu như trên các loại hình báo chí đã dành một phần “diện tích” vừa đủ cho một tản văn tự tin sánh vai với những thể loại khác. Và dường như với sự kiệm lời mà vẫn chuyển tải những vấn đề có ý nghĩa thời sự và nhân văn, tản văn đã điểm trúng vào thị hiếu thẩm mỹ của người đọc hôm nay. Đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc hiện nay, các cuốn tản văn xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng “đổ bộ” vào các hiệu sách, thư viện, trang mạng đến nỗi có người đã cho rằng trong ngữ cảnh văn học hiện nay, đây là “thời của tản văn”. Người đọc không khỏi ngạc nhiên đến vui mừng khi các cây bút chuyên nghiệp lẫn các gương mặt mới đều chứng tỏ nội lực sáng tạo và gây ấn tượng với người đọc, bởi sự phong phú về đề tài và đa dạng trong diễn ngôn của họ ở địa hạt tản văn như: Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quang Thiều, Y Phương, Nguyễn Trương Quý, Đỗ Phấn, Phan Thị Vàng Anh, Trang Hạ, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp…

Thể tản văn đã trở nên “quen thuộc” với người đọc. Họ tìm thấy ở tản văn những vấn đề của đời sống và con người đương đại: Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ quá khứ đến hiện tại, từ những khoảnh khắc bất chợt, thoáng chốc đến những vấn đề muôn thuở, từ những sự vật hiện hữu đến những ấn tượng vô hình trong thế giới của ý niệm, vùng mờ tâm linh. Hệ thống hình ảnh, chi tiết trong tản văn được sử dụng hết sức tinh lọc, súc tích với sự liên kết các chi tiết, bộc lộ thông điệp mà người viết gửi gắm. Do vậy, có thể nói, một trong những đặc thù của tản văn là tính chủ quan, cá nhân trong cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề. Là một thể văn có sự hòa trộn giữa tự sự và trữ tình, nên vai trò của sự thật đời sống trong tản văn chỉ như những vật liệu dùng để cụ thể hóa, hình tượng hóa cái chủ quan của tác giả, thể hiện trực tiếp cái tôi của người viết, là nơi chân dung tinh thần của chủ thể sáng tác hiện ra một cách trực diện và chân thực.

Trong văn học thời kỳ đổi mới và hội nhập, thể tản văn cũng như các loại hình văn học khác đều tập trung thể hiện những suy tư của chủ thể sáng tạo về bản sắc văn hóa. Bản sắc văn hóa là tổng thể các giá trị đặc trưng mang tính bản chất, bền vững, được hình thành và phát triển, bồi đắp qua quá trình lịch sử lâu dài. Trong quá trình giao lưu, hội nhập, tiếp biến giữa các nền văn hóa, bản sắc luôn bổ sung những giá trị mới, đáp ứng và phù hợp với sự vận động của lịch sử và thời đại. Văn học không chỉ là một bộ phận của văn hóa mà còn là một trong những phương diện làm giàu và bảo lưu văn hóa. Nó là sản phẩm trực tiếp của môi trường văn hóa thời đại và truyền thống văn hóa của dân tộc. Nhà văn-chủ thể sáng tạo là thành viên của cộng đồng, bằng cách này hay cách khác, đã tiếp nhận những thành tố văn hóa, những lối tư duy, những ứng xử trong đó chứa đựng nội hàm văn hóa tâm lý mang đặc trưng riêng của thời đại cũng như những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Đó chính là cách ứng xử của văn học với văn hóa mà trong đó nhà văn như một nhân tố chủ động. Có thể nói, ứng xử chính là biểu hiện của hệ giá trị riêng biệt mang tính bản sắc vùng miền, một cách thức mà nhà văn giao tiếp và đối thoại với thế giới xung quanh. Nhà văn chính là người trực tiếp bộc lộ ứng xử văn hóa bằng tác phẩm của mình.

Trong không khí dân chủ, cởi mở của văn học thời đổi mới và hội nhập, các nhà văn đã bộc lộ trực diện và thẳng thắn những vấn đề của đời sống nhân sinh, của những người cùng thời được soi chiếu từ nhiều góc độ. Một trong những nét nổi bật là bản sắc văn hóa Hà Nội. Đây là vấn đề được khá nhiều cây bút đề cập dưới góc nhìn văn hóa đa chiều. Hà Nội, Thủ đô của đất nước trong tản văn của Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Phấn, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Trương Quý… , trước hết là Hà Nội trong ký ức. Tâm thế của các cây bút khi viết về Hà Nội thường thiên về vẻ đẹp xưa, vẻ đẹp của Hà Nội ngõ nhỏ, phố nhỏ. Hà Nội của một thời mà họ và nhiều người may mắn được sống, được trải nghiệm trong các mối quan hệ, giao tiếp làm nên cốt cách con người và mong sao cho những giá trị đó sẽ quay trở lại, dẫu là trong những hoài niệm, hồi cố khôn nguôi… Trong cảm hứng sáng tạo, nhà văn thường liên tưởng hay đối chiếu xưa-nay để thấy sự biến đổi, sự phôi phai nét hào hoa, thanh lịch, nền nã của Hà Nội trong quá trình đô thị hóa ở một đất nước đang phát triển nhưng lại là sự vận động tất yếu không thể không chấp nhận. Dù biết quy luật của sự vận động đô thị trong thời hội nhập là như vậy, song trong cái nhìn và trong cách diễn ngôn vẫn thấm đẫm những “thương nhớ mười hai”, vẫn không nén nổi những tiếc nuối, xót xa về một Hà Nội kinh kỳ, với cảnh và người của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến đang dần tan loãng, nhạt mờ ("Thương nhớ vỉa hè", "Tiếng guốc rao đêm"-Đỗ Phấn; "Những di sản sống đất Thăng Long"-Nguyễn Quang Thiều…).

Trong quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa, những người viết đã quan sát, chứng kiến sự thay đổi của Hà Nội, nhất là với những phương án bảo tồn phố cổ và các di tích văn hóa của Thăng Long-Hà Nội. Nhưng trong thực tế, đã có không ít công trình phá vỡ cảnh quan, những ngôi nhà mới “ngông nghênh trọc phú”, không cá tính, hoặc những dự án tu bổ nhà phố cổ đã không còn mang dáng vẻ đặc trưng của kiến trúc, của văn hóa Hà Nội xưa.

Nói đến bản sắc văn hóa Hà Nội, không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực, đến “món ngon Hà Nội” trong tản văn. Với Đỗ Phấn, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Trương Quý…, miếng ăn là một biểu hiện, một ứng xử văn hóa. Dưới ngòi bút của họ, ẩm thực “chính là văn hóa”. Bởi món ăn, thức uống không chỉ là sự thưởng lãm, khoái cảm về nó mà như là “biên niên sử” hay như một cuốn phim tư liệu về cuộc sống của một thời đã qua ("Đặc sản một thời", "Ăn Tết"-Nguyễn Việt Hà; "Mẹ vẫn ngồi phía sân sau", "Cánh đào chưa phai Tết xưa"-Hoàng Việt Hằng) hay mang tính cập nhật của thời hiện tại ("Tết tây ăn bánh chưng", "Mỳ ở phố cũ"-Nguyễn Việt Hà; "Ăn phở rất khó thấy ngon"-Nguyễn Trương Quý).

Thêm một điểm nhấn trong tản văn là những trang viết thể hiện cách ứng xử văn hóa với thiên nhiên. Ngày nay chứng kiến những thay đổi lớn về cuộc sống, về sự lên ngôi của đời sống hiện đại kéo theo vấn nạn môi trường thiên nhiên đang bị hủy hoại nghiêm trọng, văn học không thể thờ ơ trước tiếng “kêu gào sự giúp đỡ” của thiên nhiên. Tản văn cũng không là ngoại lệ. Các tác giả bằng những trang tản văn khá tinh tế và nhạy cảm đã muốn gửi tới con người thông điệp cần phải có thái độ ứng xử đúng đắn và trân trọng với thiên nhiên. Bởi có say đắm với thiên nhiên, coi thiên nhiên như “sinh thể thứ hai” của mình, con người mới “được hồi sinh và tái tạo trong những mùa màng mới của cảm xúc và suy tưởng”. Các nhà văn đã coi cây, cánh đồng, vòm lá, mưa phùn, các loài hoa… là những biểu tượng của thiên nhiên, và thiên nhiên chính là “bản thể đậm chất người’ trong tâm thức sáng tạo của họ ("Có một kẻ rời bỏ thành phố", "Trò chuyện về những cái cây đã chết"-Nguyễn Quang Thiều; "Phố và cây Hà Nội"-Hoàng Việt Hằng…).

Như vậy, từ cái nhìn về bản sắc văn hóa, trong tản văn thời đổi mới và hội nhập, dễ nhận thấy bên cạnh các thể loại khác, sự góp mặt của tản văn tạo nên một “bữa tiệc” văn chương phong phú cho sự lựa chọn của độc giả và với sự gia tăng về số lượng cũng như sự phong phú về phương thức thể hiện, tản văn ngày càng tỏ rõ ưu thế của mình trong đời sống văn học đương đại Việt Nam.

PGS, TS BÍCH THU


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1