“Nhập siêu” văn chương
Không cần đến một cuộc khảo sát kỹ lưỡng mà chỉ cần dạo qua các nhà sách có thể nhận ra sách văn học nước ngoài đang áp đảo hoàn toàn ở thị trường sách văn học. Ngoài số lượng ấn tượng lên tới hàng trăm đầu sách, sách văn học nước ngoài lại hết sức đa dạng với nhiều tác giả từ khắp năm châu. Ở chiều ngược lại, sau nhiều năm, việc dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài vẫn không tiến triển là bao, mỗi năm chỉ có khoảng 10 cuốn sách được dịch.
Sự chênh lệch nghiêng về việc “nhập siêu” văn chương kể trên là điều bất bình thường nếu xét về giá trị tác phẩm của văn học Việt Nam so với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Văn học Việt Nam tuy không phải là một "cường quốc văn học", quê hương sản sinh ra các trường phái hay phong trào có sức ảnh hưởng lên khu vực và thế giới, nhưng nếu so sánh các tác phẩm cụ thể của một nhà văn Việt Nam hàng đầu với những nhà văn nước ngoài cùng thế hệ, rõ ràng không hề kém cạnh, có trường hợp còn độc đáo hơn. Dịch giả Ê-va Mu-cô-va - người dịch thơ Hồ Xuân Hương ra tiếng Xlô-va-ki-a, chia sẻ: “Khi tôi công bố tập thơ dịch Hồ Xuân Hương với người đọc Xlô-va-ki-a, rất nhiều người cảm thấy ngạc nhiên và thích thú. Họ không ngờ một nữ thi sĩ sống ở một đất nước Á Đông cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, chịu bao ràng buộc của lễ giáo phong kiến mà lại có thể làm thơ sáng tạo, mạnh bạo, có tính giải phóng phụ nữ như vậy. Cùng thời điểm đó, ở châu Âu cũng không có nhiều tiếng nói nữ quyền trong văn học như Hồ Xuân Hương của các bạn”.
|
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giới thiệu với các đại biểu quốc tế những hiện vật của các nhà văn Việt Nam.
|
Không chỉ tác giả cổ điển Việt Nam mà đến ngay các tác phẩm văn học đương đại (tính từ thời điểm đổi mới đến nay) cũng chưa được bạn bè thế giới biết đến. Chúng tôi đã phỏng vấn các nhà thơ, dịch giả đến từ nước Nga-đất nước có quan hệ hữu nghị, giao lưu văn học tốt đẹp với Việt Nam, đều nhận được câu trả lời chung là chỉ biết đến văn học Việt Nam thông qua các tác phẩm đã được dịch sang tiếng Nga trước năm 1975, còn văn học Việt Nam đương đại thì họ chưa được đọc một tác phẩm nào.
Hiện nay, phần lớn các tác phẩm văn học đương đại Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài chủ yếu thông qua các mối quan hệ cá nhân. Như trường hợp nhà thơ Mai Văn Phấn hết sức may mắn khi ông có mối quan hệ bạn văn với một số nhà thơ, dịch giả người Việt ở Mỹ. Chính nhờ những bản dịch chất lượng mà hai tập thơ song ngữ Việt-Anh là “Ra vườn chùa xem cắt cỏ” (Grass cutting in a temple garden), “Những hạt giống của đêm và ngày” (Seeds of night and day) và tập thơ song ngữ Việt-Pháp “Bầu trời không mái che” (A ciel ouvert) của Mai Văn Phấn đã được NXB Page Addie Press (Anh) in và thương mại hóa. Cả ba tập thơ từng lọt vào tốp 10 trong 100 tập thơ châu Á bán chạy vào giữa năm 2014 trên Amazon.com-trang web thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, cũng có một số tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn tìm hiểu, nghiên cứu văn học Việt Nam đã tự tìm cách liên hệ với các tác giả để chuyển ngữ tác phẩm nhưng quy mô những dự án này thường là nhỏ và không bền vững.
Từng bước giải quyết những vướng mắc
Nguyên nhân hạn chế của việc quảng bá văn học Việt Nam hiện nay khá rõ ràng, đầu tiên là thiếu kinh phí và thứ hai là thiếu nhân lực thực hiện chuyển ngữ.
Ở các quốc gia phát triển, việc quảng bá văn học luôn đặt trong tổng thể của chiến lược quảng bá văn hóa ra nước ngoài. Các quốc gia phát triển luôn dành một phần kinh phí để quảng bá văn học nước mình một cách toàn diện. Như nước Nga hiện thành lập Tổ chức Liên bang về hoạt động của Cộng đồng các quốc gia độc lập, của đồng bào sống ở nước ngoài và về hợp tác nhân đạo quốc tế. Thông qua các tổ chức này, danh sách hơn 200 tác phẩm gồm văn học cổ điển, văn học hiện đại, nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn có giá trị lớn trong việc giới thiệu văn học và văn hóa Nga đã đến được hơn 40 nước (trong đó có Việt Nam). Phía Nga hỗ trợ hoàn toàn kinh phí bản quyền, in ấn và nhuận bút cho dịch giả; phía đối tác chỉ cần lo vấn đề tìm dịch giả và chịu trách nhiệm về chất lượng bản dịch.
Ở Việt Nam mới thành lập một Trung tâm Dịch văn học thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, chúng ta có thể thông qua tổ chức này làm đầu mối để việc quảng bá văn học Việt Nam hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Hội Nhà văn Việt Nam không thể có kinh phí để thực hiện công việc lớn, nhiều khó khăn kể trên mà rất cần hỗ trợ của các cơ quan chức năng khác. Rõ ràng, chúng ta chưa thể có đủ tiềm lực tài chính để đẩy mạnh quảng bá trên quy mô lớn như các nước khác, nhưng việc lập ra danh sách những tác phẩm có giá trị trong gia tài văn học Việt Nam để từ từ giới thiệu nếu có cơ hội là một việc cần làm ngay.
|
Tiết mục tái hiện vua Lê Thánh Tông khắc thơ trên núi Bài Thơ trong khuôn khổ Liên hoan Thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ II vừa diễn ra tại Quảng Ninh.
|
Trước mắt, việc duy trì Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam là cần thiết vì chính thông qua hội nghị này có thể kết nối các tác giả, dịch giả để nắm tình hình phát triển văn học của nhau, lựa chọn ra những tác phẩm phù hợp để giới thiệu cho công chúng ở các nước. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: “Với việc tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ III, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ ký kết hợp tác với các đại biểu đại diện cho các tổ chức văn học lớn ở hai khu vực lâu nay chúng ta chưa có dịp tiếp xúc là châu Phi và Mỹ La-tinh. Chúng tôi tin tưởng, sắp tới sẽ có những tác phẩm lớn của văn học Việt được dịch qua hai ngôn ngữ quốc tế có lượng người sử dụng lớn là tiếng Ả-rập và tiếng Tây Ban Nha”. Cũng với một sự tin tưởng về quảng bá văn học Việt Nam sẽ được thúc đẩy thông qua hội nghị lần này, Nhà văn nhân dân Lu-gi-nốp A-lếch-xê-vích, Chủ tịch Hội Nhà văn Nga đồng thời là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Y-a-cút-ti-a, nói: “Cá nhân tôi và Hội Nhà văn Nga sẽ làm hết sức mình, trở thành cầu nối để văn học Việt Nam quay trở lại nước Nga trong thời gian sớm nhất. Tôi nghĩ trước mắt nên đẩy mạnh chuyển ngữ thơ ca vì dịch thơ không tốn nhiều thời gian và thơ ca dễ rung động lòng người”.
Một khó khăn lớn cần vượt qua trong việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là tìm dịch giả am hiểu văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam và nước sở tại mới có thể làm tốt công việc chuyển ngữ. Nếu không tập hợp những người dịch thuật giỏi thì dù có kinh phí chưa chắc đã có được những bản dịch chất lượng tốt để công chúng nước ngoài có thể cảm thụ được cái hay, cái đẹp của văn học Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.
Rõ ràng, còn quá nhiều việc để Hội Nhà văn Việt Nam và các cơ quan chức năng khác cần thực hiện để quảng bá văn học Việt Nam một cách hiệu quả cả bề rộng lẫn chiều sâu. Nhưng đây là công việc cần phải thực hiện một cách riết róng hơn, vì không chỉ có lợi cho bản thân văn học hay một vài nhà văn Việt Nam nào đó, mà rộng ra sẽ giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Qua đó, văn học sẽ góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập của đất nước ta một cách toàn diện, sâu sắc hơn bên cạnh các lĩnh vực khác.
Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG