Bà Huyện Thanh Quan (Tên thật là Nguyễn Thị Hinh) sống ở đầu thế kỷ XIX, quê ở làng Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận (nay thuộc phường Quảng An, quân Tây Hồ, Hà Nội), là vợ ông Lưu Nguyên Uẩn, tri huyện Thanh Quan (Thái Bình).
Sự là nhân lúc ông huyện đi vắng, có một ả tên là Nguyễn Thị Đào đệ đơn lên quan huyện trình bày rằng chồng thị đã ruồng bỏ thị để đi với người khác rồi, nay thị xin được kết hôn với một người chồng mới. Bà huyện vốn sẵn lòng cảm thương cái thân phận đàn bà bảy nổi ba chìm thời ấy, đã không tra xét kỹ càng, vội vàng phóng bút phê đơn bằng mấy câu thơ:
"Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?
Chữ rằng xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!".
Thị Đào quay về, mừng như mở cờ trong bụng. Chỉ ít ngày sau thị lấy chồng mới. Ai ngờ người chồng cũ, sau một thời gian bướm hoa trăng gió, lại muốn trở về với vợ. Được tin vợ đã lấy chồng mà giá thú cũ thì hãy còn nguyên chưa hề đệ trình quan xét và hủy bao giờ, hắn bèn đệ đơn lên cấp trên kiện ông huyện Thanh Quan!. Quan trên tra xét, xác nhận sự việc bên nguyên thưa kiện là hoàn toàn đúng. Bị quan trên khiển trách, ông huyện đành "ớ cổ giề" không hề phản biện được câu nào!.
Nghe nói vì vụ việc này và cũng còn vì vài nguyên do khác nữa mà rốt cuộc ông huyện Thanh Quan bị cách chức!. Xem ra, tâm hồn đầy nữ tính và bản chất nghệ sĩ phóng khoáng của bà huyện đã đưa ông huyện và cả gia đình đến những hậu quả đầy tai hại!.
Tranh minh họa.
Qua câu chuyện trên có thể nhận thấy, những quy định trong việc xử lý đối với quan lại của chế độ phong kiến thời xưa là hết sức nghiêm khắc. Lục lại các bộ luật xưa có thể thấy rõ tính nghiêm minh được thể hiện rõ nhất trong Quốc triều hình luật (hay còn gọi là luật Hồng Đức hay Lê triều hình luật) thời Lê sơ thế kỉ XV. Đây được đánh giá là một trong những bộ luật xưa nhất và tương đối hoàn chỉnh nhất về công tác lập pháp thời phong kiến Việt Nam, trong đó có hẳn một chương quy định rõ những hình phạt đối với các hành vi sai trái của quan lại, các tội về chức vụ.
Giống như các bộ luật phong kiến khác, luật Hồng Đức thể hiện rõ bản chất giai cấp của nó. Mục tiêu hàng đầu của nó là để bảo vệ vương quyền, địa vị và quyền lợi của giai cấp phong kiến, củng cố trật tự xã hội và gia đình gia trưởng phong kiến. Nó là sự pháp điển hóa tư tưởng chính trị và đạo đức Nho giáo, tiếp thu nhiều thành tựu lập pháp của Trung Hoa, chịu ảnh hưởng của cả luật pháp nhà Đường và nhà Minh. Tuy vậy, có thể nói bộ luật thành văn này có những điểm không giống với các bộ luật của Nhà nước phong kiến Trung Quốc cả về nội dung lẫn bố cục và không thể phủ nhận các điểm đặc sắc và tiến bộ của nó. Trong đó chương III (chương Vi chế - làm trái luật, quyển hai) bao gồm 144 điều (trong tổng số 722 điều, chiếm tỷ lệ gần 1/5 của bộ luật) quy định về hình phạt cho các hành vi sai trái của quan lại, các tội về chức vụ là một ví dụ điển hình.
Có thể kể một vài quy định: Các quan tại chức không có lý do mà không vào chầu, hay là nhân xin phép mà nghỉ kéo dài hạn thêm hàng tuần, hàng tháng phải phạt 10 quan; các hình quan không có lý do mà không họp hội đồng để xử kiện thì cũng xử phạt như thế (Điều 100). Viên quan sai đi công cán, xem xét việc gì khi về tâu trình không đúng sự thực thì phải tội biếm (giáng chức quan, gồm năm bậc: 1 tư, 2 tư, 3 tư, 4 tư, 5 tư) hay đồ (đồ hình: Giam cầm, bắt làm việc khổ sai); nếu vì thân tình hay thù oán mà cố ý làm sai sự thực thì sẽ chiếu theo sự tình nặng nhẹ mà tăng thêm tội; nếu ăn tiền hối lộ thì xử tội thêm hai bậc (Điều 120). Các quan viên làm việc ở sở mình mà ngồi đứng không đúng phép thì xử tội biếm hay phạt (Điều 129). Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 1 quan đến 9 quan thì xử tội biếm hay bãi chức, từ 10 quan đến 19 quan thì xử tội đồ hay lưu (đày đi xa), từ 20 quan trở lên thì xử tội chém (Điều 138).
Thậm chí những quan viết chiếu chỉ mà triều đình chưa kịp công bố đã đem truyền tin tức cho người ngoài biết thì xử tội xuy đánh 50 roi, biếm 1 tư; nếu việc cơ mật thì tăng thêm tội (Điều 219),...
Có thể nói tuy bộ luật Hồng Đức có những quy định không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhưng về tinh thần thượng tôn luật pháp, cách hành xử của người xưa vẫn mang nhiều giá trị, đáng để hậu thế suy ngẫm, khảo cứu...